Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khởi công năm 1979 và hoàn thành, đưa vào vận hành năm 1994, với công suất 1.920 MW. Xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình là một quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh khó khăn bộn bề sau ngày thống nhất đất nước, đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước những năm cuối thế kỷ trước và nhiều năm về sau. Đây cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á cho tới năm năm 2012, khi Nhà máy Thủy điện Sơn La khánh thành.
Công trình mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 389/TTg-CN ngày 11/4/2018, là công trình cấp đặc biệt, được xây dựng trên dòng chính sông Đà thuộc địa phận TP. Hòa Bình.
Công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư là 9.220 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với công suất 480 MW, nhà thầu xây lắp là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Công ty CP Xây dựng 47-Lilama10.
Theo EVN, dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu tăng cường công suất phủ đỉnh, tăng độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành cho hệ thống điện quốc gia, giảm chi phí sản xuất điện, cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 495 triệu kWh điện mỗi năm.
Đồng thời, giảm cường độ làm việc của các tổ máy Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa; tận dụng khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện bổ sung điện năng từ tháng 5-8, đặc biệt là các tháng 7, 8.
Dự án khởi công vào tháng 1/2021, song gặp sự cố sạt hố móng nhà máy. Tháng 10/2021, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch EVN Dương Quang Thành lên hiện trường kiểm tra, tạm dừng thi công để xử lý sự cố.
Dự án tiếp tục được thi công trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã xử lý sạt trượt mái dốc đảm bảo ổn định và an toàn.
Tới nay, kết quả tính toán đánh giá và quan trắc liên tục cho thấy việc thi công công trình không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu. Toàn bộ kết quả quan trắc trong quá trình thi công do Viện Vật lý Địa Cầu thực hiện cho thấy chỉ số rung chấn nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu trong hồ sơ thiết kế.
Dự án được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ gói thầu Tư vấn môi trường xã hội; qua các đợt kiểm tra, giám sát hiện trường tư vấn của AFD đã đánh giá công trường tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn khuyến cáo của nhà tài trợ và luật pháp Việt Nam, đã thực hiện biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng về môi trường đối với khu vực xung quanh (xử lý nước thải, tưới nước rửa đường, bố trí cầu rửa xe, xe ra vào công trường được phủ bạt…).
Về kế hoạch tiến độ thi công tiếp theo, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung để thi công công trình đáp ứng tiến độ phát điện tổ máy 1 vào tháng 6/2025, phát điện tổ máy 2 vào tháng 7/2025.
Trên công trường, Thủ tướng biểu dương EVN và các cơ quan đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý sự cố hiệu quả, nhanh chóng, qua đó trưởng thành hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm.
Thủy điện Hòa Bình là "công trình thế kỷ" có ý nghĩa quan trọng, các thế hệ ngày nay rất xúc động và tự hào với sự hy sinh của những người đi trước, nên việc thi công mở rộng nhà máy phải với trách nhiệm cao nhất để tri ân những người đi trước, những người đã hy sinh, chống tiêu cực, tham nhũng; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng lưu ý an toàn và chất lượng công trình phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời bảo đảm tiến độ bằng việc thi công 3 ca 4 kíp, bù đắp lại thời gian xử lý sự cố, phấn đấu vượt tiến độ 6 tháng; bảo đảm môi trường sinh thái; bảo đảm an toàn lao động, các vấn đề xã hội và chăm lo đời sống công nhân. Các cơ quan, đơn vị và tỉnh Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời, báo cáo cấp có thẩm quyền, nhất là trong xử lý vấn đề phát sinh./.