Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày cũng như ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương ven biển cho rằng sau thời gian thực hiện Chiến lược Biển, kinh tế biển, ven biển đã có sự phát triển toàn diện.
Đời sống người dân ven biển được nâng lên. Các ngành kinh tế như du lịch và nghỉ dưỡng biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, vận tải biển tăng trưởng. Tình hình kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển chuyển biến rõ nét. Công tác bảo vệ môi trường biển ngày càng được
quan tâm.Tuy nhiên, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về biển, hải đảo, nhất là những hạn chế về nhân lực, khoa học công nghệ biển, năng lực quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng trên biển…
Các ý kiến cho rằng, biển là một lợi thế cho phát triển đất nước cũng như 28 địa phương ven biển, nên việc thực hiện đồng bộ chiến lược về biển có ý nghĩa quan trọng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đánh giá cao các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực và có giải pháp kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu đưa nước ta mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ