Hội nghị do UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Cùng dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành; Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số hiệp hội, doanh nghiệp…
Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2 chiếm 12,2 % diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước; đồng thời, khu vực này có vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.
ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).
Cùng với đó, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; đến hết năm 2021 có 69,6% số xã đạt chuẩn, bình quân 16,9 tiêu chí/xã, có 37 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 2 địa phương là thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến hết năm 2021 đã bố trí, sắp xếp lại được 112.894 hộ dân cư; trong đó vùng thiên tai 91.089 hộ, vùng biên giới 5.882 hộ và vùng đặc biệt khó khăn 15.923 hộ. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất được thúc đấy theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; toàn vùng có trên trên 100.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, có trên 2.460 HTX nông nghiệp (24,8% tham gia chuỗi liên kết sản xuất); đồng thời, đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Thời gian qua, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, 77.000 km kênh cấp II và cấp III. Đã hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tính đến nay, tỷ lệ số xã toàn vùng đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn là 78% (gần bằng tỷ lệ này của cả nước - 79%).
Cùng với hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp như Khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), Cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)...; các cảng cá, bến cá Tắc Cậu, Bình Đại, Gành Hào, Trần Đề… Các hệ thống cơ sở hạ tầng trên đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn.
Trong đó, tác động biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động biến đổi khí hậu; cùng với tác động phía thượng nguồn sông Mekong do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước.
Những khó khăn, thách thức khác là những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại; biến động thị trường khó lường, nhất là thị trường quốc tế, các tiêu chuẩn kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt hơn, biến chuyển xu thế tiêu dùng xanh trên thế giới đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.
Cùng với đó, tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiếp đó là quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao...
*Trước khi tham dự Hội nghị, Thủ tướng và đoàn công tác đã đi kiểm tra các công trình tại khu vực lấn biển Kiên Giang, nghe báo cáo về các dự án đường ven biển của tỉnh, hệ thống các công trình thủy lợi, dự án cấp điện cho các xã đảo của tỉnh Kiên Giang và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Rạch Giá.