Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023

PV - 07:25, 17/12/2022

Ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư

Thực hiện thoả thuận hợp tác, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên và đột xuất theo chuyên đề. Nội dung, chủ đề của các Diễn đàn đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách, các cơ quan quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, các địa phương, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Để góp phần triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng; đồng thời, cung cấp thêm luận cứ cho Chính phủ trong xây dựng và triển khai Nghị quyết đầu năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm.

Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Theo Ban Tổ chức, Diễn đàn sẽ thảo luận, làm rõ về bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Diễn đàn có quy mô bao gồm 1 phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì tổ chức vào buổi chiều ngày 17/12; 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào buổi sáng 17/12.

Phiên toàn thể gồm 5 báo cáo chính: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023; Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam; Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á 2023; Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023; Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

Tham gia phần thảo luận tại phiên toàn thể có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và đại diện một số tổ chức quốc tế…

Các diễn giả sẽ thảo luận, làm rõ kết quả tiêu biểu, bài học rút ra từ thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022; nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức (trong nước và từ bên ngoài) nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023; dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023; đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách nhằm nắm bắt và cụ thể hóa cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2023.

Bốn hội thảo chuyên đề bao gồm: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, khó lường hơn cả dự đoán, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt khoảng 8% - mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Theo báo cáo tháng 11/2022, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,2% và sẽ hạ xuống 2,7% năm 2023.

Còn theo dự báo tháng 10/2022 của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng 3,5% vào năm 2022 do lực đẩy của thương mại toàn cầu tăng nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, lượng thương mại đang sụt giảm ở các tháng cuối năm 2022, dự kiến năm 2023 thương mại toàn cầu chỉ tăng 1,1%. Tháng 11/2022, IMF dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm từ mức 10,1% năm 2021 xuống 4,3% năm 2022 và dự kiến còn 2,5% năm 2023.

Việt Nam sẽ có nhiều việc phải làm để ứng phó và vượt qua những khó khăn, thách thức như thế nào trong năm 2023 khi mà những tháng cuối năm đã xuất hiện một số rủi ro đối với cân đối lớn: Áp lực lạm phát gia tăng; lãi suất tăng nhanh; doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản do một số vấn đề trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; không ít doanh nghiệp đã bị cắt giảm đơn hàng; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, còn nhiều tiềm ẩn gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Các chuyên gia cho rằng, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch cần bảo đảm yêu cầu độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.