Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022"

PV - 20:49, 17/09/2022

Sáng 17/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp kiểm tra tổng thể công tác chuẩn bị tổ chức “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Chương trình sẽ chính thức diễn ra vào ngày mai (18/9) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường kiểm tra công tác chuẩn bị Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường kiểm tra công tác chuẩn bị Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Cùng tham gia có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các cán bộ phụ trách nội dung; thông tin, tuyên truyền, lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế của Diễn đàn.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về công tác chuẩn bị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn hoàn thành việc lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trực tuyến, âm thanh hình ảnh 3 phòng họp; thử nghiệm hệ thống, bảo đảm an toàn thông tin; rà quét an ninh các thiết bị phục vụ, các khu vực làm việc, phòng họp... đảm bảo an toàn trong thời gian diễn ra Diễn đàn; giám sát an toàn mạng; xây dựng kịch bản cho các phiên họp của Diễn đàn; hỗ trợ công tác trình, chiếu, livestream trên các nền tảng công nghệ số; hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ kết nối các điểm cầu; triển khai các công việc khác theo đúng Đề án đã được ban hành; triển khai và lắp đặt hoàn thiện các hạng mục trang trí, bố trí của từng phòng họp; công tác đảm bảo biên, phiên dịch, in, ấn tài liệu của Diễn đàn...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, Văn phòng Quốc hội cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, phương án phân luồng giao thông; bố trí tổ trực y tế, phòng chống dịch, xe cứu thương; tổ trực an ninh tại phòng khánh tiết, hội thảo chuyên đề để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh báo cáo Chủ tịch Quốc hội về công tác chuẩn bị để truyền hình trực tiếp Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh báo cáo Chủ tịch Quốc hội về công tác chuẩn bị để truyền hình trực tiếp Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam

Về công tác thông tin tuyên truyền, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, Phiên khai mạc Diễn đàn sẽ được phát trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và sau đó thực hiện truyền hình trực tuyến livestream trên Website quochoitv.vn và các nền tảng Mạng xã hội; thực hiện livestream trên các nền tảng số; thiết lập đường tín hiệu xem riêng bản tiếng Anh trên Youtube phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng người nước ngoài quan tâm đến Diễn đàn; kết nối với 6 điểm cầu trong nước gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, trường Đại học Ngoại thương. Cùng với hơn 200 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, hiện đã có 6 hãng tin quốc tế gồm: Reuters, Phoenix, Channel News Asia Singapore, Bloomberg và EPA cử phóng viên tham dự đưa tin về Diễn đàn, hơn 20 cơ quan thông tấn báo chí đăng ký livestream về Diễn đàn... Đây là điểm mới so với công tác tổ chức Diễn đàn Kinh tế năm 2021 nhằm lan toả rộng rãi nội dung, thông tin của Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ban Tổ chức đã trực tiếp tiến hành kiểm tra, rà soát tổng thể công tác chuẩn bị, bố trí trang thiết bị, cơ sở vật chất, tín hiệu đường truyền, âm thanh, hình ảnh… tại điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, việc kết nối đến các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, điểm cầu tại một số cơ quan trong nước và nước ngoài. Kết quả kiểm tra cho thấy, các khâu chuẩn bị về kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, nội dung và hình thức truyền thông đã hoàn tất, sẵn sàng cho sự kiện sắp tới. Công tác chuẩn bị tổ chức đảm bảo chu đáo, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với quy định. Hạ tầng kỹ thuật, thông tin liên lạc được bảo đảm thông suốt, an toàn, đáp ứng các yêu cầu an ninh mạng. Các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 cho các đại biểu, cán bộ tham dự cũng được chú trọng, chuẩn bị kỹ càng. Hình thức trang trí phù hợp với thông lệ, đảm bảo trang trọng; các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng được bố trí phù hợp, đáp ứng phương châm tổ chức. Hệ thống âm thanh, ánh sáng vận hành tốt và ổn định. Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho các đại biểu tham dự được thắt chặt và chuẩn bị kỹ càng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi cùng Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh tại cuộc tổng duyệt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi cùng Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh tại cuộc tổng duyệt

Qua kiểm tra trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn đã được tiến hành chu đáo, chặt chẽ. Chủ tịch Quốc hội nhắc lại bài học kinh nghiệm quý giá giúp nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là trong hơn 2 năm đại dịch Covid – 19 vừa qua và trong giai đoạn phục hồi hiện nay chính là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó, củng cố và giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô chính là yếu tố nền tảng - “bất biến” để giúp nền kinh tế, giúp đất nước vượt qua mọi “vạn biến” - những diễn biến khó đoán định của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay.

Với việc kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch Covid – 19, lần này Diễn đàn Kinh tế - Xã hội được tổ chức trực tiếp với sự tham dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, lãnh đạo các địa phương..., do đó, công tác tổ chức Diễn đàn phải hết sức tỉ mỉ, chuyên nghiệp, hiệu quả. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Tổ chức, Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn rà soát các công việc, có phương án chi tiết từng việc, rõ việc, rõ đầu mối chịu trách nhiệm.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của 4 cơ quan gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với khoảng 400 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, Đại sứ, Trưởng cơ quan, các tổ chức tế tại Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài... sẽ tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Diễn đàn sẽ kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu trong nước và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài sẽ tham dự theo hình thức ghi hình hoặc phát biểu trực tuyến.

Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” trong bối cảnh Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XV để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật... có ý nghĩa quan trọng nhằm bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình thực tế sẽ là kênh thông tin "đầu vào" quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thêm dữ liệu, từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có các giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội..., có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.