Trong những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển miền núi. Trong đó, tổng nguồn vốn đầu tư cho hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững là hơn 23 nghìn tỷ đồng; dự kiến đến cuối năm 2020 Quảng Nam có 118 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 133 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đáng chú ý, từ Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 12 HĐND tỉnh, công tác giảm nghèo tại khu vực miền núi đã giảm nhanh, bền vững. Đến thời điểm hiện nay, Quảng Nam còn hơn 17.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,85%, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn hơn 14.000 hộ.
Về Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Quảng Nam đã xây dựng 10 dự án và các tiểu dự án thành phần theo định hướng của Ủy ban Dân tộc đưa ra, với tổng kinh phí dự kiến là hơn 3500 tỷ đồng, trong đó ngân sách TW là hơn 2200 tỷ đồng còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Trong lộ trình 2021-2030, Quảng Nam tiếp tục quan tâm đến hai lĩnh vực quan trọng là sắp xếp dân cư, gắn liền với bảo vệ rừng, phát triển dược liệu và giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, phát triển du lịch, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu cũng được Quảng Nam đưa vào lộ trình đầu tư phát triển chặng đường 10 năm tới đối với khu vực miền núi.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Quảng Nam trong lập dự toán, báo cáo rất chi tiết về lộ trình đầu tư, kinh phí thực hiện, nguồn ngân sách huy động, đối tượng hưởng lợi. Quảng Nam cũng là địa phương đi tiên phong trong xây dựng sắp xếp dân cư theo hướng ổn định, bền vững, chăm lo sinh kế cho người dân tộc thiểu số; đồng thời, đã làm rất tốt việc quy hoạch bảo tồn phát triển dược liệu mang tầm quốc gia. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Quảng Nam để mở hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch sắp xếp dân cư miền núi ổn định, bền vững cho các địa phương miền núi, nằm ở vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh cũng nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Nam cũng cần quan tâm đến những vấn đề lớn như: xây dựng lộ trình phát triển hạ tầng công nghệ tại miền núi theo hướng chọn thôn điểm, xã điểm để triển khai; Chăm lo đời sống, sinh hoạt, ăn ở cho học sinh dân tộc thiểu số ở các đơn vị trường học không thuộc diện nội trú như hiện nay... Đồng thời, tỉnh cần phân kỳ đầu tư để khi chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua, sẽ sớm triển khai ngay vào năm 2021.