Chiều 21/11, Đoàn bắt đầu chương trình làm việc theo dự kiến. Đoàn dự thính phiên bảo vệ thứ nhất của Botswana tại Khóa họp thứ 108 của Ủy ban Công ước CERD. Tại phiên họp, Đoàn Chủ tịch và các thành viên tham dự họp đã nêu các vấn đề về công tác giáo dục, tuyên truyền quyền con người cho trẻ em và người đang sinh sống tại Botswana; việc học tiếng mẹ đẻ của người dân thuộc các bộ lạc tại Botswana; kiện toàn hệ thống pháp luật để chống lại phân biệt chủng tộc và hình sự hóa các hành vi phân biệt chủng tộc, hài hòa giữa luật tục của từng địa phương với hệ thống pháp luật chung của quốc gia...
Sáng 22/11, Đoàn tiếp tục dự thính phiên bảo vệ thứ 2 của Botswana tại Ủy ban Công ước. Tại phiên làm việc này, Đoàn dự thính vòng trả lời thứ 2 và vòng đối thoại thứ 3 của nước bạn. Trong ngày, Đoàn làm việc với Ban Thư ký của Ủy ban Công ước CERD.
Ngày 9/6/1981, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước CERD, với 4 lần đệ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Đặc biệt, Ủy ban Dân tộc đảm nhận là cơ quan đầu mối phụ trách Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và chuẩn bị Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của các DTTS như: Giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… Trong đó, nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc bảo đảm quyền cho người DTTS, như: Hệ thống pháp luật, các quy định bảo đảm quyền con người, các chính sách cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội...
Có thể nói, trong suốt quá trình lịch sử, Việt Nam đã luôn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế, là một dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời về tinh thần đoàn kết, bình đẳng và tương trợ lẫn nhau.
Ngày nay, các nguyên tắc và quy định về bình đẳng và không phân biệt chủng tộc liên quan đến thành phần dân tộc không những được ghi trong Hiến pháp, mà còn được cụ thể hóa trong các luật và văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn, thông qua nhiều chính sách, chương trình quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm DTTS, có điều kiện phát triển bình đẳng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Ra đời từ năm 1965, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc.