Với mục tiêu tăng cường các kiến thức về văn hóa dân tộc, Hội nghị là dịp để các giảng viên và cán bộ nghiên cứu của Học viện Dân tộc được bổ sung thêm các kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc của một số dân tộc vùng Tây Bắc để áp dụng vào thực tiễn trong công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Qua quá trình công tác và các kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đã chia sẻ một số thông tin cơ bản về không gian, đặc điểm văn hóa vùng Tây Bắc và công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Với 27 dân tộc và có 7 trong tổng số 8 nhóm ngôn ngữ trên cả nước, Tây Bắc là khu vực có tính đa dạng văn hóa, phản ánh trong cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần (văn hóa vật thể và phi vật thể).
Các đặc điểm văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc đã được Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nêu và phân tích cụ thể từ trang phục, văn học nghệ thuật, âm nhạc đến tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như các kinh nghiệm truyền thống trong ứng xử hài hòa với xã hội và tự nhiên. Trong đó, phải kể đến tri thức ứng xử với rừng. Đồng bào các dân tộc coi rừng cũng như nước, đất là anh em, họ hàng chứ không phải đối tượng khai thác. Vì thế, đồng bào khai thác rừng có tính bền vững theo mùa vụ, vừa khai thác, vừa bảo vệ rừng…
Trước sự tác động của các nhân tố mới (toàn cầu hóa, cơ chế thị trường, cách mạng 4.0…), để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tộc người, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp như: bảo tồn nguyên gốc, nguyên bản ngay tại môi trường sống của di sản, gắn với cộng đồng, tôn giáo, tín ngưỡng và truyền dạy, chú trọng tôn vinh các nghệ nhân và bảo tồn theo hướng tái sáng tạo. Mỗi địa phương cần lựa chọn những di sản đặc biệt quan trọng, gắn công tác bảo tồn với phát huy di sản văn hóa trong phát triển du lịch, khuyến khích phát triển sản phẩm trên cơ sở di sản văn hóa tộc người…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh chúc mừng những kết quả nổi bật mà Học viện Dân tộc đạt được trong thời gian qua, cũng như bề dày thành tích qua 20 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị: Thời gian tới, Học viện Dân tộc cần có những nghiên cứu mang tính bài bản, có chiều sâu trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, để xây dựng bộ dữ liệu, hệ thống chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, góp phần trong công tác xây dựng chính sách, vì sự phát triển bền vững các DTTS.
(cema.gov.vn)