Trước khi xem xét, thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh này.
Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh này.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện KSND Tối cao tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát các đối tượng bị xử phạt trong dự thảo Pháp lệnh nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Theo đó, chỉnh lý quy định về mức xử phạt đối với một số hành vi trong dự thảo Pháp lệnh; với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhưng đã được quy định tương tự trong các Nghị định của Chính phủ, dự thảo Pháp lệnh dẫn chiếu thực hiện theo các quy định tương ứng đó.
Với các ý kiến tán thành quy định tại Chương III của dự thảo Pháp lệnh, đồng thời, đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, bổ sung Điều 32, Điều 40 và Khoản 9 Điều 41 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát, chỉnh lý Điểm b Khoản 4 Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh, chỉ quy định về hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát toàn diện dự thảo Pháp lệnh, bổ sung 1 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành, chỉnh lý một số điều, khoản cụ thể khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi và hoàn thiện về kỹ thuật văn bản.
Dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm 4 chương, 48 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Pháp lệnh đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra…/.