Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thông điệp từ “Tết trồng cây” ở Quảng Trị

Khánh Ngân - 19:17, 15/02/2023

“Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Hai câu thơ của Bác Hồ kính yêu đã in đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Mỗi độ Xuân về, “Tết trồng cây” trở thành một ngày hội để gửi đi thông điệp về giá trị của mỗi cây xanh, giá trị của việc phát triển kinh tế rừng bền vững.

Thông điệp từ lễ phát động “Tết Trồng cây”
Với người Bru- Vân Kiều ở huyện ĐaKrông (Quảng Trị), rừng là báu vật, là nguồn sống

Ngày 6 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Khu di tích Thành Tân Sở (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Tại buổi lễ, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã gửi đi thông điệp “Tổ chức Tết trồng cây phải mang ý nghĩa thiết thực, tránh phô trương hình thức. Từ lễ phát động Tết trồng cây, phải khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững…”. Thông điệp đầu năm của đại diện UBND tỉnh Quảng Trị cũng muốn nói lên những lợi thế và định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững của địa phương trong những năm tiếp theo.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 95.675 ha diện tích rừng trồng sản xuất. Sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt từ 900.000 - 1.000.000 triệu m3/năm. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Việc thu hút nhà đầu tư về địa phương xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến gỗ cũng được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị chú trọng. (Trong ảnh: Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tiến Phong, huyện Cam Lộ)
Việc thu hút nhà đầu tư về địa phương xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến gỗ cũng được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị chú trọng. (Trong ảnh: Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tiến Phong, huyện Cam Lộ)

Minh chứng ở Đakrông, là huyện miền núi với trên 80% dân cư sinh sống là người DTTS. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy (khóa IV) về định hướng phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đakrông đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, phần lớn các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch trồng gỗ nguyên liệu theo chủ trương của tỉnh. Cụ thể huyện đã tổ chức trồng được 153,4 ha, với 68 hộ tham gia, tập trung ở các xã, thị trấn Ba Lòng, Krông Klang, Hướng Hiệp và A Ngo, với nguồn kinh phí thực hiện 341,245 triệu đồng.

Ông Hồ Sang (xã Hướng Hiệp) chia sẻ, cách đây 3 năm gia đình ông đã nhận khoán và bảo vệ hơn 100 ha rừng. Gia đình đã dựng lán, chòi để bảo vệ và trồng rừng trên diện tích được giao. Nguồn thu nhập tốt từ bảo vệ rừng, cùng với diện tích rừng trồng đã làm cho kinh tế gia đình ông trở nên khá hơn. Ngoài gia đình ông, hiện còn có nhiều hộ dân trên địa bàn tham gia nhận khoán và phát triển kinh tế hiệu quả từ trồng rừng.

Cùng với việc trồng rừng nguyên liệu, việc thu hút nhà đầu tư về địa phương xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến gỗ cũng được chú trọng. Hiện trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng hoạt động hiệu quả. Đây là nơi tiêu thụ sản phẩm rừng trồng cho đồng bào DTTS, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.

Thông điệp từ lễ phát động “Tết Trồng cây” 2
Cựu binh Hồ Văn Với (giữa) ở xã A Bung, huyện Đa Krông cũng là một trong những hộ trồng rừng gỗ huê có giá trị kinh tế cao. (Trong ảnh: Ông Hồ Văn Với trao đổi kinh nghiệm trồng rừng )

Không riêng gì ĐaKrông, nhiều huyện miền núi ở Quảng Trị như Hướng Hóa, Cam Lộ cũng chú trọng phát triển kinh tế rừng bền vững. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng được trên 12.000 ha rừng trồng và trên 3 triệu cây phân tán; sản xuất trên 27 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, bảo đảm chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đưa vào tiêu thụ đạt trên 1 triệu m3, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh; độ che phủ rừng đạt mức 49,9%, góp phần quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, cảnh quan và giảm thiểu những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Là một địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp, Quảng Trị đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung. Để thực hiện được mục tiêu đó, trồng rừng gỗ lớn phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu được xác định là hướng đi đúng đắn. Mô hình không chỉ bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn giúp cuộc sống của người dân miền núi, vùng đồng bào DTTS cải thiện qua từng năm.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.