Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thổ canh hốc đá - cuộc đọ sức giữa con người với tự nhiên trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Tào Đạt - 03:22, 17/11/2023

Tri thức thổ canh hốc đá của đồng bào các dân tộc sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Phương thức canh tác này phản ánh đầy đủ nhất từ kỹ thuật xếp nương đá, tận dụng những hốc đá và gùi đất đổ vào hốc đá để trồng cây lương thực; là minh chứng cho nghị lực chiến thắng tự nhiên, cũng thể hiện ý chí “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và làm giàu trên đá”.

Để có được những nương ngô xanh mướt bao phủ trên đá xám, bà con người Mông và các dân tộc khác sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn phải bỏ ra rất nhiều công sức khai phá, vun trồng
Để có được những nương ngô xanh mướt bao phủ trên đá xám, bà con người Mông và các dân tộc khác sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn phải bỏ ra rất nhiều công sức khai phá, vun trồng

Một phương thức canh tác độc đáo

Ở vùng đất có địa hình gần 80% là núi đá, đối với đồng bào các dân tộc sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn, phương thức thổ canh hốc đá không có gì là xa lạ. Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, thổ canh hốc đá được ứng dụng rộng khắp với diện tích trên 2.300 km2.

Mang một đặc trưng riêng, tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá là những kinh nghiệm trồng trọt trên nương ở vùng đất xen lẫn đá, được đồng bào các dân tộc cư ngụ nơi đây đúc rút, hoàn thiện trong cả quá trình canh tác và truyền lại qua nhiều thế hệ.

Chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2014, tri thức thổ canh hốc đá mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với tiến trình cư trú của các dân tộc với lịch sử kéo dài trên dưới 300 năm. Qua thời gian, kỹ thuật thổ canh hốc đá ngày càng phát triển. Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào nơi đây cũng dần ổn định, no đủ hơn và tránh được tình trạng thiếu đói vào mùa giáp hạt.

Những mảnh nương màu mỡ được tạo ra bởi sự cần mẫn của đồng bào các dân tộc sinh sống trên cao nguyên đá
Những mảnh nương màu mỡ được tạo ra bởi sự cần mẫn của đồng bào các dân tộc sinh sống trên cao nguyên đá

Ông Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang - cho hay, trước kia, đồng bào người Mông và các dân tộc khác sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn có tập tục du canh, du cư. Đồng bào hay đốt rừng làm nương, sau vài vụ trồng trọt, khi đất đai bạc màu là lại bỏ đi nơi khác. Sau này, rừng ngày càng cạn kiệt nên đồng bào đã kè nương đá, gùi đất đổ vào hốc đá, trồng cây lương thực. Qua nhiều đời nay, phương thức canh tác này còn gọi là thổ canh hốc đá.

Tri thức thổ canh hốc đá của đồng bào nơi đây thể hiện sức sống mạnh mẽ, tinh thần giữ đất, giữ làng, dù khó khăn đến đâu,  đồng bào các dân tộc vẫn tìm tòi sáng tạo, để duy trì cuộc sống, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Kỹ thuật thổ canh hốc đá, còn liên quan đến những câu chuyện cổ tích về các loài cây trồng đã mang lại lương thực, những bài dân ca ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất của đồng bào nơi đây.

Những cây ngô vươn lên xanh tốt trên đá xám
Những cây ngô vươn lên xanh tốt trên đá xám

"Mầm xanh" trên đá

Để có được những nương ngô, hoa màu xanh tươi, vươn lên trên đá xám, đồng bào các dân tộc sống trên mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn, phải bỏ ra không biết bao nhiêu sức lực và sự cần mẫn đi khai phá, rãy cỏ, gùi đất lên nương... Những công việc này thường bắt đầu khi đất trời vùng cao chuyển sang mùa Xuân.

Đối với đồng bào các dân tộc nơi đây, hoạt động khai phá để làm nương là công việc tốn nhiều công sức và thời gian nhất. Nhằm tạo ra được những mảnh nương có thể trồng được cây, người nông dân phải nhặt đá xếp thành bờ ở sườn dưới của nương để giữ cho không bị sạt lở, xói mòn và rửa trôi màu. Tận dụng tối đa đất canh tác, bà con sẽ không chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, tại những sườn cao của nương, khu vực nhiều đá không thể san bằng được, người nông dân sẽ kè thành những hốc đá kín, sau đó gùi thêm đất đổ vào để canh tác. 

Điều đáng nói, quá trình khai phá nương, xếp đá được bà con tiến hành chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Khi công tác xếp đá hoàn tất, bà con sẽ phát cỏ và cây bụi theo nguyên tắc phát từ dưới lên. Ngô là loài cây lương thực được trồng chính  tại đây. Người dân sẽ trồng ngô thành cụm, mỗi gốc có 3 cây mọc chen nhau nhưng vẫn xanh tốt mỡ màng. 

Hiện nay, bà con còn trồng thêm nhiều loại hoa màu để phục vụ đời sống và tăng thêm thu nhập cho gia đình
Hiện nay, bà con còn trồng thêm nhiều loại hoa màu để phục vụ đời sống và tăng thêm thu nhập cho gia đình

Sau quá trình dài chăm sóc, vào mùa thu, khi gió heo may tràn về, cũng là lúc người dân sống cao nguyên đá bước vào mùa vụ thu hoạch. Khi những bắp ngô vàng óng được xếp ngay ngắn trong và trên gác bếp cũng là lúc đồng bào làm lễ Cơm mới và chuẩn bị cho việc cưới xin, làm nhà.

Được biết, ngoài vụ chính trồng ngô, đồng bào còn thâm canh trồng thêm rau, bí, đậu và một số loại cây hoa màu khác để tăng năng suất. Ngày nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của đồng bào ở Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đồng bào người Mông và các dân tộc sinh sống nơi đây vẫn luôn tâm niệm rằng “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và làm giàu trên đá”, qua bao đời nay họ vẫn kiên trì vật lộn với từng hốc đá tai mèo, để gieo trồng và chăm sóc cho những “mầm sống” vươn xanh. Từ đó, tri thức thổ canh hốc đá cũng ngày càng khẳng định cho ý chí vượt khó trên mảnh đất biên cương, cùng với đó là thể hiện sự sáng tạo của các thế hệ người dân nơi địa đầu của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.