Những tấm gương Người cao tuổi tiêu biểu
Mặc dù bước 70 tuổi, xong ông Đặng Văn Ỏn, hội viên Hội Người cao tuổi thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên luôn được mọi người trong thôn, xã kính nể bởi đức tính cần cù, chịu thương chịu khó trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Song song với việc phát triển kinh tế gia đình ông còn gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông cùng Chi bộ, trưởng thôn huy động nhân dân tham gia làm đường, bà con ủng hộ ngày công, góp đất mở đường vào thôn, xóm nhiều hộ còn tích cực hiến đất, cây cối để mở rộng đường, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.
Với ông, việc đến từng gia đình để vận động làm đường, xây dựng nông thôn mới, quyên góp cứu trợ... đã trở thành thói quen không thể thiếu. Hơn 70 hộ dân trong thôn không người nào ông không biết, trong đó những hộ nghèo được ông đặc biệt quan tâm. Ông thường xuyên đến thăm hỏi và tìm hiểu nguyện vọng của hộ nghèo để báo cáo lên xã, nhằm có hướng hỗ trợ và giúp đỡ.
Ông Vàng Văn Phảng, dân tộc Mông ở thôn Na Lũng, xã Bản Díu, huyện Xín Mần cũng là một trong những hội viên NCT tiêu biểu trong phong trào làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Tranh thủ lợi thế diện tích đất của gia đình, ông Phảng trồng mận, ngô, lúa và đào ao thả cá, sản xuất đậu phụ, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông còn mua xe ô tô tải làm dịch vụ phục vụ bà con và sản xuất gạch pavanh, cho thuê máy xúc tăng thêm thu nhập.
Với ý chí quyết tâm, lòng kiên trì, tinh thần lao động chăm chỉ, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Phảng và gia đình còn “bỏ ống” 1 tỉ đồng, số tiền mà người miền xuôi cũng phải ao ước. Ngoài ra, ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và dành một phần thu nhập đóng góp xây dựng quê hương, ủng hộ các chương trình từ thiện nhân đạo ở địa phương.
Người cao tuổi Đặng Văn Ỏn, Vàng Văn Phảng chỉ là một trong hằng ngàn người cao tuổi ở Hà Giang đã phát huy tích cực vai trò của mình trên các lĩnh vực. Với tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, nhiều cán bộ, hội viên NCT đã năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, cống hiến trí tuệ, sức lực làm giàu cho bản thân, gia đình, nâng cao đời sống, đóng góp tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điển hình như: Bà Nhì Thị Máy, hội viên Hội NCT tổ dân phố 3 mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ máy móc phục vụ nông nghiệp; thu nhập bình quân hằng năm từ 500 đến 700 triệu đồng; tạo việc làm cho 2 đến 3 lao động địa phương. Ông Bùi Văn Hợp, hội viên NCT tổ dân phố 1, thành phố Hà Giang kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỉ đồng; tạo việc làm cho 3 đến 5 lao động. Ông Nguyễn Văn Thướng, hội viên chi hội NCT thôn Làng Khác A, xã Du Già, huyện Yên Minh với mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ thương mại tổng hợp, thu nhập bình quân 300 triệu đồng mỗi năm…
Nhiều chính sách quan tâm, chăm sóc Người cao tuổi.
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 76.953 NCT, chiếm 8,62% dân số, chủ yếu NCT là đồng bào DTTS, sống ở vùng nông thôn, có trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất khó khăn, trên 65% NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng của con, cháu.
Thực hiện công tác chăm sóc NCT, nhất là NCT thuộc hộ nghèo, NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 100% các Trạm Y tế và Phòng khám Đa khoa khu vực trong tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện kịp thời công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe NCT, thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) tại nhà cho NCT không có điều kiện đến cơ sở KCB.
Đến nay, 80% NCT có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% NCT khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp phục hồi chức năng; 50% gia đình có NCT bị bệnh suy giảm trí nhớ, khuyết tật nặng và có vấn đề khó khăn khác được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho NCT. Trên địa bàn tỉnh có mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho NCT.
Để nâng cao mức sống cho các gia đình NCT, Ban đại diện Hội NCT các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền các mục tiêu phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho NCT.
Nhiều NCT ở cơ sở đã góp sức cùng gia đình lao động sản xuất, không ngừng sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả kinh tế cao; tham gia khôi phục và phát triển các nghề và dạy nghề truyền thống để phát triển kinh tế và phục vụ thiết thực cho phát triển du lịch ở địa phương.
Theo đó, đã có khoảng trên 26.900 NCT tại địa phương tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chiếm khoảng 35% tổng số NCT. Trong đó, có 271 hộ gia đình có NCT được hỗ trợ xoá nhà tạm, với kinh phí hỗ trợ là 16 tỷ đồng.
Chăm lo đời sống tinh thần cho NCT, toàn tỉnh Hà Giang đã có 278 câu lạc bộ về thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn hóa văn nghệ, thơ ca, cờ tướng, bóng bàn… thu hút trên 14.000 NCT tham gia. Đây là địa chỉ sinh hoạt và gặp gỡ của NCT, góp phần để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích và thực hiện tốt các phong trào chung của tỉnh. Năm 2022, toàn tỉnh có 16 NCT được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân.
Phát huy vai trò “tuổi cao, gương sáng” NCT đã tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, tuyên truyền và ký kết giao ước thi đua phấn đấu 100% gia đình hội viên không có con cháu mắc các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút; phối hợp đẩy mạnh phong trào “Làng văn hóa”, “Gia đình Người cao tuổi văn hóa”; tích cực tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài, hòa giải và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trong năm 2022, NCT đã đóng góp trên 243.500 ngày công, quyên góp hàng trăm triệu đồng tham gia xây dựng Nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng, củng cố và duy trì tốt các mô hình tự quản về an ninh trật tự, qua đó đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Số NCT tham gia các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ hòa giải cơ sở là 8.269 người; trên 98% gia đình hội viên NCT đạt gia đình văn hóa và gia đình kiểu mẫu. Có khoảng 26.962 NCT tiếp cận và sử dụng được các sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông như ti vi, điện thoại thông minh, máy vi tính…
Có thế thấy, người cao tuổi không chỉ làm ra của cải vật chất, mà còn là chỗ dựa về tinh thần, tấm gương to lớn đối với thế hệ trẻ trong công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.