Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định): Núi cát “đè” di tích lịch sử

Thành Nhân – Huỳnh Đại - 12:16, 25/02/2021

Di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức, huyện Hoài Nhơn được UBND tỉnh Bình Định công nhận là di tích cấp tỉnh ngày 09/01/2006, nhằm ghi nhận những đóng góp của các lực lượng làm nên chiến thắng Đệ Đức. mở rộng vùng giải phóng từ Hoài Ân, An Lão, Tam Quan, Hoài Nhơn đến các xã phía bắc Phù Mỹ. Nhưng, đáng lo ngại là, mấy tháng nay, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng (DNTN XD) Tân Lập đã tự ý tập kết hàng ngàn khối cát xâm hại đến di tích; trong khi đó, cơ quan quản lý di tích và chính quyền địa phương sở tại không hề có biện pháp ngăn chặn?!

Di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức bị DNTN XD Tân Lập đổ cát "đè" lên
Di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức bị DNTN XD Tân Lập đổ cát "đè" lên

 Di tích bị xâm hại

Theo hồ sơ, Di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức nằm tại khu phố Giao Hội 1, phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn). Hiện di tích nằm trên thửa đất số AN/QP 764, có chiều dài 947 m, chiều rộng 291 m, tổng diện tích 275.788 m2

Trong chiến dịch Xuân – Hè, ngày 2/5/1972, Tiểu đoàn 3 và 4, thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 – Sao Vàng phối hợp với lực lượng địa phương tấn công căn cứ Đệ Đức – Sở chỉ huy của Trung đoàn 40, Sư đoàn 22 Nguỵ quân, một vị trí chiến lược, được xây dựng kiên cố, có đài Ra-đa, đường băng cho các loại máy bay khu trục L19 và C130. Sau 12 giờ chiến đấu, căn cứ bị lực lượng của ta tiêu diệt hoàn toàn.

Theo biên bản quy định khu vực bảo vệ di tích được xác định, có khu bảo vệ I gồm di tích và vùng xác định là yêu tố cấu thành di tích, được tô màu đỏ trên bản đồ địa chính. Trong khu vực này cấm mọi hoạt động xây dựng hoặc hành vi vi phạm khác. Không một tổ chức cá nhân nào được tự ý tháo gỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại; giảm giá trị vốn có của di tích. Khu vực bảo vệ II không được xác định.

Mặc dù, được công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh, và có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, nhưng đơn vị quản lý vẫn chưa cắm mốc di tích, không xây tường rào để khoanh vùng bảo vệ. Đáng nói, khu vực di tích lịch sử chiến thắng Đệ Đức nằm sát với khu dân cư, nên người dân trong vùng cũng sử dụng những khu vực trống của di tích để phơi khoai mì, gây mất mĩ quan và tôn nghiêm của di tích.

Ông Đ.V.Đ, một người dân sống gần khu di tích bức xúc: Chúng tôi không hiểu chính quyền ở đây đang làm gì? Khi để doanh nghiệp đổ cát ngay tại khu di tích này nữa, một di tích được tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử, mà lại đổ đất cát trên khuôn viên như vậy là không thể chấp nhận được. Chúng tôi yêu cầu chính quyền phải xử lý ngay việc này, vì nó gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích.

Một người dân khác phản ánh: Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng nên nhiều tháng qua, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Tân Lập (DNTN XD Tân Lập) đã dùng mặt bằng của khu di tích để tập kết cát dùng để xây dựng các công trình trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn. Chúng tôi nhiều lần phản ánh lên UBND phường Hoài Tân, nhưng tới nay vẫn chưa thấy có cơ quan, sở ngành nào xử lý về việc này.

Thờ ơ với trách nhiệm quản lý 

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Tân phân trần: “Di tích chiến thắng Đệ Đức nằm chung trong đất quốc phòng, nên khi DNTN XD Tân Lập sử dụng mặt bằng trống của di tích Chiến thắng Đệ Đức làm nơi tập kết trữ cát, UBND phường cũng đã nghe nguời dân phản ánh và đã kiểm tra thực tế, báo cáo sự việc lên Trung tâm VH-TT-TT và Thị đội thị xã Hoài Nhơn; Trung tâm VH-TT-TT cũng đã kiểm tra nhưng không có kết luận nào. Còn Thị đội chỉ trả lời là, sử dụng đất di tích để trữ cát nhằm xây dựng công trình của Thị đội”.

Về vấn đề này, ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết: Thị xã cũng đã tiếp nhận được thông tin về núi cát đè trên lưng di tích. Theo ông Thảo, núi cát này được tập kết, là trước đây doanh nghiệp chỉ mượn tạm bãi để tập kết cát khai thác từ việc nạo vét sông Lại Giang. "Thị xã sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý trong thời gian sớm nhất", ông Thảo nói.

Trong khi đó, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: Việc DNTN XD Tân Lập sử dụng đất di tích làm bãi tập kết cát là sai, là xâm hại nghiêm trọng đến di tích Chiến thắng Đệ Đức. Di tích này, do Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh và Thị đội thị xã Hoài Nhơn quản lý. Từ việc DN tự ý dùng đất di tích làm điểm trữ cát, Bảo tàng tỉnh đã yêu cầu Trung tâm VH-TT-TT thị xã Hoài Nhơn tiến hành kiểm tra và báo cáo, nhưng đến nay Bảo tàng tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo của Trung tâm, cũng như Thị đội thị xã Hoài Nhơn.

"Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ kiến nghị với Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra, xử lý và yêu cầu DN phải di dời số lượng cát trên đến nơi khác, tránh gây xâm hại đến di tích. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh sẽ làm việc với Thị đội thị xã Hoài Nhơn nhằm thoả thuận và di dời bia di tích tới nhà bia tưởng niệm của Sư đoàn 3 – Sao Vàng, vì hiện đất di tích nằm chồng lấn với đất quốc phòng, nên khó khăn trong công tác quản lý. Bảo tàng cũng đề nghị với Thị đội làm lại ranh giới bản đồ di tích, nhằm phân cấp quản lý di tích tốt hơn giữa ngành văn hoá và quốc phòng”, ông Tĩnh cho hay.


Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!