Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khu du lịch Suối Tiên (Quy Nhơn – Bình Định) xây dựng không phép: Liệu có xử lý?

Lê Phương - 14:56, 18/02/2021

Thời gian gần đây, dư luận tỉnh Bình Định rất bức xúc về việc, Khu du lịch sinh thái và dã ngoại Suối Tiên (Khu du lịch Suối Tiên) tại TP. Quy Nhơn xây dựng không phép nhưng lại ngang nhiên thu vé các loại dịch vụ khi vào cổng tham quan. Điều đáng nói là, khu du lịch này đã hoạt động một thời gian khá dài nhưng không có một lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý, kể cả Đội Kiểm tra liên ngành Du lịch.

Cổng vào Khu du lịch Suối Tiên
Cổng vào Khu du lịch Suối Tiên

Khu du lịch xây dựng trái phép

Khu du lịch Suối Tiên nằm trên tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (tuyến quốc lộ 1D). Muốn vào khu du lịch này, phải đóng tiền tại quầy bán vé ở cổng ra vào. Theo giải thích của người bán vé, muốn vào bên trong chụp hình phải đóng 40.000 đồng/người, nếu gọi thêm đồ uống, thì mỗi người phải đóng tổng cộng 60.000 đồng. 

Qua tìm hiểu, Khu du lịch Suối Tiên thuộc sở hữu của Công ty TNHH Suối Tiên Quy Nhơn, do 2 thành viên góp vốn là vợ chồng ông Nguyễn Văn Phụng - bà Huỳnh Thị Hạnh (cùng ở KV 3, phường Ghềnh Ráng).

Theo UBND phường Ghềnh Ráng, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc xây dựng trái phép tại Khu du lịch Suối Tiên, ngày 8/12/2020, Tổ công tác UBND phường đã kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư khu du lịch này. Kết quả kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư đã dựng một nhà bảo vệ bằng kết cấu nhôm kính (diện tích 20 m2), gia cố lại tường chắn bằng đá chẻ, với chiều cao khoảng 5 m, dài khoảng 27 m, lát mới lại nền gạch với diện tích 156,6 m2, lắp dựng sàn bằng sắt tạo không gian ngắm cảnh với diện tích khoảng 10 m2... Tại thời điểm kiểm tra, các hạng mục trên đã xây dựng xong khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo báo cáo của UBND phường Ghềnh Ráng, khu đất xây dựng Khu du lịch sinh thái và dã ngoại Suối Tiên, là đất lâm nghiệp. Hiện vị trí này thuộc điểm du lịch số 2 dọc tuyến du lịch dịch vụ Quy Nhơn – Sông Cầu (Phú Yên). 

Qua làm việc, ông Nguyễn Văn Phụng trình bày: Vợ chồng ông đã sống tại khu vực nói trên từ năm 1992, có hộ khẩu thường trú tại đây. Năm 2007, vợ chồng ông Phụng xin chủ trương thực hiện dự án làm khu du lịch dã ngoại sinh thái Suối Tiên nhưng không đủ kinh phí để thực hiện, trên đất đã có nhà cửa và một số công trình phụ khác. Gia đình ông sinh sống, chăn nuôi, trồng trọt tại đây để kiếm sống qua ngày.

Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng thông tin: Tháng 6/2019, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch điều chỉnh 1/2.000 các điểm du lịch dịch vụ dọc tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu (Phú Yên), trong đó khu đất của vợ chồng ông Phụng thuộc điểm du lịch số 2. Các công trình trong Khu du lịch Suối Tiên được vợ chồng ông Phụng xây dựng nhiều thời điểm khác nhau. 

"Trong đó, có công trình được xây dựng trước khi tôi nhận chức Chủ tịch UBND phường. Nhiều lần làm việc, UBND phường đã yêu cầu, vợ chồng ông Phụng không được xây dựng thêm các công trình khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép", ông Thiện cho hay.

Xử lý thế nào?

Trao đổi với phóng viên về khu du lịch xây dựng không phép, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn cho biết: Lỗi xây dựng các hạng mục không phép đã được xác định rõ. Việc xây dựng là sai, vì mục đích đất chưa chuyển đổi, về nguyên tắc muốn chuyển đổi, xây dựng phải đăng ký với chính quyền thành phố, khi có giấy phép mới được xây dựng. 

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, vì quá trình xây dựng hình thành không theo một thời điểm nhất định, mà trải dài từ nhiều giai đoạn lịch sử. Vị trí này thuộc điểm du lịch số 2 tuyến du lịch - dịch vụ đường Quy Nhơn - Sông Cầu.

Khu du lịch Suối Tiên xây dựng nhiều hạng mục không phép.
Khu du lịch Suối Tiên xây dựng nhiều hạng mục không phép.

“Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đang kêu gọi nhà đầu tư, còn các hạng mục nêu trên  không phải là công trình nhà ở, đây gần như mục đích là phòng thủ đất. Vì vậy, TP chỉ yêu cầu UBND phường Ghềnh Ráng ghi nhận hiện trạng, xác lập hồ sơ để sau này bồi thường dự án thì căn cứ xử lý. Bây giờ cưỡng chế thì không cần thiết. Tuy nhiên, tuyệt đối không để xây dựng nhà ở ”, ông Nam khẳng định.

Còn ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho hay, địa điểm Suối Tiên chưa nộp hồ sơ đề nghị xem xét công nhận là khu/điểm du lịch. Vì vậy, Công ty TNHH Suối Tiên sử dụng cụm từ Khu du lịch sinh thái và dã ngoại, trên biển hiệu tại cổng vào là không đúng. Theo quy định của Luật Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Bình Định đã yêu cầu doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ khu du lịch, hoặc điểm du lịch để quảng cáo, giới thiệu về địa điểm Suối Tiên dưới mọi hình thức và xóa cụm từ khu du lịch tại cổng vào trong địa điểm Suối Tiên.

Hiện nay, vấn đề dư luận quan tâm là những hạng mục xây dựng trái phép trong khu du lịch này sẽ bị các ngành chức năng xử lý như thế nào? Không lẽ cứ xây dựng trái phép, bị phạt rồi cho tồn tại? 

Câu trả lời xin gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.