Sôi động vào cuối năm
So với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản (BĐS) có sự khác biệt. Nếu như trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu sở hữu, đầu cơ BĐS sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, dù thị trường thiếu nguồn cung vì các DN phải tạm dừng xây dựng, cầu một số lĩnh vực như BĐS khu công nghiệp, logictics, nhà ở… vẫn phát triển tốt. Bên cạnh đó điểm khác biệt lớn nhất và dễ nhận thấy nhất là giá BĐS không giảm. Lãi suất thấp khiến cho dòng tiền chảy vào BĐS tương đối dồi dào thời gian qua. Tất cả phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao.
Do vậy giới chuyên gia nhìn nhận khả năng “bật lò xo” của thị trường BĐS là khả quan khi kinh tế của Việt Nam được dự báo hồi sức khá nhanh. Trong đó yếu tố tác động tích cực tới thị trường BĐS là môi trường pháp lý dần được hoàn thiện, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, mọi người đã thích nghi và doanh nghiệp (DN) sẵn sàng tổ chức hoạt động bán hàng trong thời gian tới. Nhiều nơi đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10. Đây là thời điểm rất tốt để khách hàng tham gia thị trường khi nhận thấy sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách…
Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, hiện nay, DN đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường dù công nhân khó khăn trong việc quay lại TP HCM. Thời gian qua, dù nguồn cung giảm so với những năm trước, nhưng quý cuối năm được đánh giá là sôi động nhất. Khi cung cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động cho thị trường.
Vẫn theo bà Hương, Đại Phúc Land cũng đã có kế hoạch đưa ra sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm, như nhà căn hộ bên cạnh nhà phố, shophouse. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạng mục, công trình xây dựng. Do có dự phòng sớm nên tiến độ công trường đã đạt 70%-80% và cuối năm bảo đảm tiến độ cam kết bàn giao từ ban đầu. Bên cạnh việc làm sao tăng tốc về đích năm 2021 thì DN cũng đã có lộ trình phát triển trong năm 2022 với sự chung tay của Nhà nước với các chính sách, cơ chế hỗ trợ để có thêm nguồn lực
Căn hộ hai phòng ngủ được nhiều người săn tìm
Muốn có nhà mới đón tết là tâm lý của người Việt Nam. Chị Nguyễn Thu Huyền, đang sở hữu căn hộ ở Season Aventure (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị muốn mua thêm 1 căn hộ tầm 100 m2 nữa ở trục đường Hà Đông cho bố mẹ. “Các cụ đã nghỉ hưu, nên muốn đưa các cụ lên Hà Nội ở gần con cháu để dễ qua lại thăm nom. Tôi cũng có tìm hiểu mấy dự án ở trục đường Tố Hữu và đã quyết định chốt 1 căn hai phòng ngủ giá 2,6 tỷ ở Trung Văn” - chị Huyền chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều nhân viên bán hàng tại các dự án MHDI Trung Văn, HPC land mark, Intracom Trung Văn… chia sẻ thông tin, thời điểm quý IV rất dễ chốt đơn với khách hàng. Có nhiều khách chủ động liên lạc với phòng bán hàng của dự án để tư vấn, đặt cọc tiền.
Chị Trần Thảo, nhân viên kinh doanh BĐS thuê, cho thuê, mua bán tại dự án FLC Đại Mỗ cho biết, căn hộ hai phòng ngủ được nhiều người săn tìm trong thời gian 1 tháng trở lại đây. Hiện các căn hộ hai phòng ngủ ở tầng trung không còn nhiều.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển R&D Vietnam cho rằng, mặc dù dịch bệnh khó khăn, nhưng thị trường trong một tháng qua có nhiều dấu hiệu tích cực khi các chủ đầu tư đang cố gắng giành giật lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiều người vẫn lo thị trường bị đóng băng nhưng thực tế điều đó chỉ diễn ra trong tháng 7, bước sang tháng 8 - 9, DN đã chuyển sang bán hàng online… thị trường bắt đầu khởi sắc. “Điều đó cho thấy thị trường có những suy giảm đáng kể nhưng vẫn có những chuyển biến tích cực, người có tiền vẫn lựa chọn BĐS là kênh đầu tư” - theo ông Hoàng.
Phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá
TP. HCM là thị trường chịu tác động mạnh nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, ảnh hưởng rõ nhất là gần như toàn bộ thị trường BĐS tại thành phố này cùng các địa phương liền kề đều phải tạm ngưng giao dịch. Lượng tin đăng bán chung cư, nhà phố, đất nền ở TP. HCM trong quý III vừa qua giảm kỷ lục, lần lượt giảm 78%, 86%, 87%, nhu cầu tìm mua những sản phẩm thuộc các phân khúc này cũng giảm lần lượt 41%, 55%, 62%.
Dự báo về thị trường BĐS quý IV/2021, các chuyên gia cho rằng, nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn quý III, sức mua cũng sẽ tăng hơn quý III, nhưng vẫn suy giảm so với quý I hoặc cùng kì năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, Hội đồng đã kiến nghị với TP. HCM trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, cần xem phục hồi thị trường BĐS là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TP. HCM nói riêng.
Theo ông Lịch, đối với TP. HCM, BĐS là 1 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Để hỗ trợ cho các DN, cần nhóm chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, gỡ các nút thắt tồn đọng./.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, trong 10 tháng năm 2021, Sở đã cấp hơn 13.000 sổ hồng và sẽ cố gắng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Đồng thời, TP. HCM đã giải quyết trên 80.000 hồ sơ vay vốn. Với con số này, ngân hàng đã giải ngân số tiền rất lớn để người dân và DN đưa đồng vốn này vào đầu tư, kinh doanh.