Tỉnh Gia Lai có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số, chủ yếu là đồng bào Ba Na và Gia Rai. Trong các buôn làng hiện nay có rất nhiều "nghệ nhân nhí" được biểu dương, ưu tiên đứng ở vị trí dẫn đầu đội chiêng. Theo sau là đội đánh trống, chiêng và xoang. Các em có khi hóa thân thành các pơtual (chú hề), các pram (hình nộm, hồn ma)… mang đầy vẻ đẹp nguyên sơ của đại ngàn. Cũng có khi, chính các em là những nghệ nhân chính tham gia đánh chiêng, chơi nhạc cụ điêu luyện.
Hầu như ở Gia Lai, làng đồng bào DTTS nào cũng có ít nhất một đội cồng chiêng, có thành viên là các em nhỏ tham gia. Điển hình như làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh), làng T'Nùng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro), làng Mơ Hra Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang)... còn có riêng một đội cồng chiêng nhí.
Vào dịp lễ, hội làng, các "nghệ nhân nhí" rất tích cực, hào hứng tham gia các buổi biểu diễn đánh chiêng, trống; biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc với thanh âm trong trẻo, mượt mà, vang vọng. Đặc biệt là, những bản làng có đội chiêng nữ nhỏ tuổi, với đôi chân trần lướt nhẹ trên cỏ múa xoang điệu nghệ, uyển chuyển. Dù đứng ở vị trí nào trong các màn trình diễn, các em đều thể hiện hết khả năng, say sưa với nhịp chiêng, điệu xoang, hồn nhiên, nhẹ nhàng mang văn hóa dân tộc đến với tất cả công chúng.
Niềm đam mê, sự cố gắng nỗ lực của những nghệ nhân nhí -cũng là chủ thể di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã cho thấy ý thức về trách nhiệm của thế hệ tiếp nối trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình và gìn giữ, phát triển văn hóa cồng chiêng đến mai sau.