Virus biến thể mới chủng Ấn Độ (B.1.617) đã được phân loại ở mức biến thể đáng quan ngại cấp độ toàn cầu. Đây là thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
WHO, cho biết biến thể này dường như lây lan nhanh hơn và có thể có khả năng kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine. B.1.617 là biến thể thứ tư được phân loại ở mức biến thể đáng quan ngại cấp độ toàn cầu. Trước đó, những biến thế khác cùng cấp độ này đã được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil.
Mỹ vẫn là nước có số bệnh nhân và ca tử vong cao nhất thế giới, với 33.478.112 ca nhiễm và hơn 595.831 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 422.418 ca trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về ca nhiễm với 22.842.162 ca.
Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 45.496,364 ca nhiễm và 1.035.156 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á - ghi nhận 43.952.081 ca mắc, trong đó có 569.432 ca tử vong. Tiếp đó là khu vực Bắc Mỹ với 38.851.587 ca nhiễm và 871.549 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Sri Lanka, quốc gia láng giềng với Ấn Độ, trở nên phức tạp. Trong ngày 10/5, Sri Lanka thông báo ghi nhận 2.672 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ trước đó, đánh dấu ngày có số ca mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này hồi tháng 3 năm ngoái. Tổng số ca mắc COVID-19 của Sri Lanka cũng đã vượt ngưỡng 125.000, lên mức 125.906 ca. Trong đó, 801 bệnh nhân đã tử vong.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo tạm cấm nhập cảnh với các du khách từ Bangladesh, Pakistan, Nepal và Sri Lanka từ ngày 12/5. Tương tự, Thái Lan đã mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với khách quốc tế đến từ Pakistan, Bangladesh và Nepal nhằm ngăn chặn gia tăng các ca nhiễm biến thể của virus phát hiện lần đầu tại Ấn Độ xâm nhập nước này. Tuy nhiên, những người có thị thực Thái Lan (trừ thị thực du lịch) có thể đến Thái Lan trước ngày 15/5.
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia hôm nay quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ đến hết tháng này nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm COVID-19.
Lệnh hạn chế đang được áp đặt tại 30/34 tỉnh và thành phố của Indonesia. Động thái này được đưa ra sau khi hoạt động di chuyển của người dân đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong khi số ca mắc COVID-19 cũng gia tăng trở lại ở quốc gia Đông Nam Á này.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Đức đã dỡ bỏ hệ thống xác định nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine của hãng Johnson&Johnson (J&J), theo đó toàn bộ người trưởng thành có thể được tiếp cận loại vaccine này. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, nhóm người trẻ tuổi hơn có thể lựa chọn có tiêm vaccine J&J gồm một mũi hay không sau khi tham vấn với bác sĩ.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nga cho biết vaccine ngừa COVID-19 mà nước này sản xuất, mang tên Sputnik Light, có thể bảo quản trong 6 tháng trong trạng thái đông đá với nhiệt độ dưới 18 độ C, và bảo quản trong 1 tháng khi ở dạng lỏng với nhiệt độ từ 2-8 độ C. Vaccine có thể được đóng gói dưới dạng lọ nhỏ hoặc ống tiêm với các iều lượng khác nhau. Một liều cần thiết để tiêm là 0,5ml.
Trong khi đó, Thị trưởng thủ đô London (Anh) Sadiq Khan đã phát động chiến dịch trị giá 6 triệu bảng (8,4 triệu USD) nhằm thu hút du khách trở lại thành phố này, "đón đầu" quyết định của chính phủ dỡ bỏ các hạn chế trên khắp nước Anh. Chiến dịch này được đưa ra nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau nhiều tháng đóng cửa và phong tỏa nhằm khống chế đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định quốc gia này sẽ cho phép mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời theo đúng kế hoạch vào ngày 19/5 khi số ca bệnh COVID-19 cần điều trị tích cực đang giảm dần. Ông khẳng định tình hình hiện nay khá triển vọng khi số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực tại Pháp ngày 9/5 đã giảm xuống dưới mức 5.000 ca, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3.