Nhớ một thời chưa xa, nhắc đến Tây Nguyên là liên tưởng đến chốn “rừng thiêng, nước độc”, là bệnh tật và đói nghèo, là súng đạn của bọn phản động Fulro rình rập đe dọa cuộc sống bình yên. Đất nước thống nhất nhiều năm, nhưng miền cao nguyên phía Tây vẫn là một trong những khu vực có tốc độ phát triển khá chậm. Xác định Tây Nguyên là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, có lịch sử lâu đời, đa dạng bản sắc văn hóa, phong phú tiềm năng thiên nhiên, cần được tạo những động lực quan trọng để thúc đẩy tiến trình đổi mới, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển địa bàn chiến lược trọng yếu này.
Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên”, thì bộ mặt Tây Nguyên thật sự đổi thay. Cùng với sự xác lập các quy hoạch chiến lược và tập trung những nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình giải quyết vấn đề dân sinh như đất ở, đất sản xuất, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế… cũng được chính quyền các cấp hết sức quan tâm.
Trên vùng đất năm tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, với diện tích tự nhiên khoảng 55.000 km2 là ngôi nhà chung của hơn 5 triệu người của 47 dân tộc anh em, khắp các phố thị, buôn làng, cuộc sống ngày càng khởi sắc. Những công trình hạ tầng, phúc lợi ngày càng được hoàn thiện. Nhà nước phát huy mọi nguồn lực nhằm phát triển giao thông tại vùng; mạng lưới đường bộ toàn vùng có độ dài gần 40 nghìn km kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn trong nước và các nước trong khu vực. Trong đó, các quốc lộ chạy qua Tây Nguyên có tổng độ dài 2.517 km; các liên tỉnh lộ gần 2.035 km và hệ thống giao thông liên cửa khẩu đã nối liền Tây Nguyên với các nước láng giềng.
Đường Hồ Chí Minh, đường hành lang Đông - Tây xuyên qua vùng đã làm thay đổi diện mạo những buôn làng từng là vùng sâu, vùng xa. Hàng không phát triển nhanh với ba sân bay Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Dự án khôi phục đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm vừa được khởi động tháng 4/2022 và việc mở tuyến đường sắt mới phục vụ cho các nhà máy Alumin Nhân Cơ, Tân Rai đang được tính toán. Giao thông thuận lợi, chuỗi các đô thị Tây Nguyên kết nối; những thành phố trong khu vực như Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Gia Nghĩa, Kon Tum… đã trở thành những đầu tàu kinh tế-xã hội toàn vùng. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm với gần 600 nghìn ha cà phê, sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn/ năm; 72 nghìn ha hồ tiêu, sản lượng mỗi năm đạt từ 121 nghìn tấn; cao su, điều, rau, hoa cũng phát triển mạnh. GDP bình quân đầu người toàn vùng hơn 40 triệu đồng…
Đắk Lắk, từ địa phương kém phát triển đã trở thành tỉnh khá trong khu vực miền Trung. Chỉ tính 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Đắk Lắk đạt 8,75%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2021 đã đạt 52.481 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 18,5%/năm, năm 2021 đạt 8.206 tỷ đồng; tổng huy động vốn đầu tư đạt 143.448 tỷ đồng, tăng 24,14%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, đến cuối năm 2021 còn 7,91%. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết: “Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp-thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Ðời sống nhân dân, nhất là các vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng cải thiện”.
Những năm sau giải phóng, tỉnh Gia Lai có hơn 500 nghìn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, nhưng đến nay, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế có những bước tiến vượt bậc, đời sống người dân về mọi mặt đều được nâng lên. Giai đoạn từ năm 2016 - 2021, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh duy trì mức bình quân 7,83%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,31 triệu đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2015. Tỉnh đã thu hút đầu tư 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng, so với giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 5 lần về số lượng và gấp 36 lần về vốn. Tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai từ 19,71% năm 2015 giảm xuống còn 3,96% vào năm 2021. Đến nay, tất cả các xã trong tỉnh đều có trạm y tế, điện lưới quốc gia, đường ô-tô từ huyện đến trung tâm xã.
20 năm trước, tỉnh Lâm Đồng có 49 xã, 64 thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hơn 30%. Bằng nhiều nguồn lực, Lâm Đồng đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện, để giờ đây, bộ mặt nông thôn, miền núi đổi thay vượt bậc, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Toàn tỉnh có 3 huyện và 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 67 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,99%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 2,77%. Tỉnh Đắk Nông cũng đã có bước phát triển vượt bậc.
Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 8,02%, quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 38,65 triệu đồng năm 2016 lên 52 triệu đồng vào năm 2020. Đắk Nông đã thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh ước đạt 72,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11%. Thu ngân sách ước đạt 11.531 tỷ đồng, tăng 1,8 lần.
Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững đạt kết quả đáng khích lệ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,2% năm 2016 xuống còn dưới 7% năm 2020. Với tỉnh Kon Tum, thành tựu nổi bật nhất về kinh tế là duy trì được tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm trên 9%/năm; thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 50 triệu đồng vào năm 2021. Từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, năm 2005 tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo còn 6,32%...
Khát vọng Tây Nguyên là tạo nên một thế đứng vững chãi như ba đỉnh núi thiêng Chư Yang Sin, Ngok Linh, Bi Đoup sừng sững giữa mênh mông đại ngàn. Khát vọng Tây Nguyên là ngọn lửa nung nấu bao đời thắp sáng lên sự phát triển thịnh vượng vùng đất, là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào. Chúng tôi đã đi, đã đến và ghi nhận những định hướng của cấp ủy, chính quyền và mong muốn của người dân ở các địa phương. Câu hỏi lớn là tiếp tục làm gì để tạo nên một Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đình Văn khái quát, tỉnh tiếp tục thực hiện các khâu đột phá và tập trung đầu tư nhiều công trình lớn; ưu tiên phát triển các chương trình, dự án trọng điểm cấp quốc gia và vùng, làm động lực chính phát triển lan tỏa trong toàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và vùng, như các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, nâng cấp các quốc lộ trên địa bàn, khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm; mở rộng Cảng hàng không Liên Khương. Đồng thời, lập mới và điều chỉnh quy hoạch đô thị ở các cấp độ khác nhau; ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thể thao, thương mại dịch vụ, khoa học và công nghệ, phát triển khu công nghiệp…
Nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia, quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao và công nghiệp có chọn lọc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết: Đối với lĩnh vực kinh tế, Đắk Lắk tiếp tục khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý. Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Tỉnh cũng đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết: Kon Tum tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Quản lý, khai thác và sử dụng tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, trong đó tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực và xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm chế biến dược liệu, trọng tâm là tập trung phát triển “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh. Tỉnh Đắk Nông cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh trung bình khá, năm 2030 trở thành tỉnh phát triển năng động và bền vững, năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên. Trước mắt, Đắk Nông tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực…
Sau 47 năm đất nước thống nhất, gần nửa thế kỷ Tây Nguyên cùng cả nước kiến thiết quê hương, đi giữa đại ngàn giàu đẹp hôm nay, ngắm núi nhìn sông, người cao nguyên vẫn nhớ về quá khứ oai hùng và kết nối mạch nguồn cách mạng chảy mãi trên miền núi rừng hùng vĩ. Nguồn mạch thẳm sâu bao đời đã tạo nên nền tảng cho một thế đứng vững vàng trên xứ sở của những con người kiên trung, bất khuất, nghĩa tình. Đó cũng chính là nguồn năng lượng, là điểm tựa tinh thần cho sự bừng lên khát vọng về một Tây Nguyên ngày càng phát triển năng động, phồn vinh...