Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Thấy gì từ việc thay đổi chính sách hỗ trợ chi phí học tập ở Thái Nguyên

PV - 10:03, 13/07/2019

Việc Trường Cao đẳng Kinh tế-Tài chính (KTTC) Thái Nguyên không chi trả chi phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách không có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xuất phát từ chủ trương của tỉnh này. Tuy nhiên, trong việc này Nhà trường vẫn phải có trách nhiệm.

Bài 2: Hậu quả của sự tùy tiện

Chưa chấp thuận vẫn làm

Như kỳ báo trước đã phản ánh, chuẩn bị cho năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên đã triển khai tuyển sinh học sinh, sinh viên (HS, SV) thuộc đối tượng chính sách (người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo; HS, SV tốt nghiệp ở các trường phổ thông dân tộc nội trú; HS, SV người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thường trú tại vùng ĐBKK) không có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với cam kết sẽ nhận được chế độ, chính sách hỗ trợ học tập. Nhưng sau khi “gom” được hàng trăm hồ sơ ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn,… Trường bỗng dưng “bẻ kèo”, thay đổi chế độ, chính sách, khiến nhiều phụ huynh, học sinh và dư luận địa phương bức xúc.

Để làm rõ vấn đề, ngày 28/6, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên. Tại buổi làm việc này, ông Phạm Chí Cường, Phó Hiệu trưởng-Phụ trách Nhà trường thừa nhận, việc Nhà trường bất ngờ thay đổi chế độ chính sách đối với người học ngoại tỉnh là đúng.

“Do từ năm học 2019-2020, UBND tỉnh quy định không chi ngân sách để hỗ trợ HS, SV thuộc đối tượng chính sách ngoài tỉnh. Đây là việc nằm ngoài ý muốn của Nhà trường, bởi từ 3 năm nay, học sinh thuộc đối tượng chính sách ngoài tỉnh vẫn được ngân sách tỉnh hỗ trợ”, ông Cường cho biết.

Ông Phạm Chí Cường, Phó Hiệu trưởng-Phụ trách Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên (ngoài cùng) trả lời câu hỏi của phóng viên. Ông Phạm Chí Cường, Phó Hiệu trưởng-Phụ trách Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên (ngoài cùng) trả lời câu hỏi của phóng viên.

Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, quy định mà ông Cường đề cập đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành trước thời điểm Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên thực hiện tuyển sinh năm học 2019-2020. Cụ thể, theo Quyết định 3838/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2019 thì Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên được giao tuyển mới 921 chỉ tiêu. Trong Phụ lục 09 kèm theo Quyết định số 3838/QĐ-UBND có nêu: các đối tượng chính sách đào tạo mới phải người có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên mới được ngân sách tỉnh chi ngân sách hỗ trợ (thuộc hệ ngân sách-Pv).

Về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng-Phụ trách Phạm Chí Cường cho biết, sau khi có quyết định giao chỉ tiêu đào tạo năm 2019 của tỉnh, Trường đã nhiều lần đề nghị tỉnh điều chỉnh, cho phép Trường được tuyển sinh thí sinh ngoài tỉnh vào hệ ngân sách. Trong lúc chờ ý kiến của tỉnh, Trường vẫn thực hiện công tác tuyển sinh vì nghĩ rằng tỉnh cũng sẽ chấp thuận đề xuất của Trường.

Có đi ngược chính sách?

Có lẽ vì nghĩ “cũng sẽ được tỉnh chấp thuận” nên năm 2019, Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên vẫn tiếp tục thực hiện tuyển sinh ngoại tỉnh vào hệ ngân sách. Nhưng đến 28/5/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 1212/SKHĐT-THQH gửi UBND tỉnh, “bác” đề xuất của Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên.

Vì vậy, ngày 12/6/2019, Trường này đã buộc phải ban hành thông báo tạm dừng tuyển sinh, thay đổi chế độ, chính sách cho HS, SV ngoài tỉnh khi nhập học tại Trường. Việc “cầm đèn chạy trước ô tô” của Trường Cao đẳng KTTC Thái Nguyên đã khiến nhiều gia đình chính sách có con em đã nộp hồ sơ phải xin rút, đang tất tả ngược xuôi để tìm cơ sở giáo dục khác để học, hoặc phải chờ thêm một năm để thi lại vào cấp 3.

Vấn đề là, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên tham mưu để UBND tỉnh này ban hành quy định không hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc đối tượng chính sách không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh có đi ngược với chủ trương, chính sách của Nhà nước? Bởi theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 cũng như Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, ngày 20/10/2015 về chính sách nội trú đối với HS, SV cao đẳng, trung cấp đều không quy định phải phân biệt HS, SV thuộc đối tượng chính sách theo hộ khẩu thường trú mà áp dụng chung.

Trong hai văn bản này cũng đều ghi rõ, kinh phí thực hiện hỗ trợ HS, SV thuộc đối tượng chính sách được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm, theo phân cấp quản lý; với những địa phương khó khăn thì ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ.

Được biết, Thái Nguyên hiện vẫn là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg thì việc chi ngân sách hỗ trợ HS, SV ở các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ được ngân sách Trung ương cấp bù. Vậy vì sao UBND tỉnh Thái Nguyên lại quy định chỉ có HS, SV thuộc đối tượng chính sách có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Nguyên mới được hỗ trợ chi phí học tập, “nói không” với HS, SV ngoại tỉnh?

Trong một diễn biến liên quan, tại một hội thảo do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 17/6/2019 tại TP. Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc có khẳng định, Thái Nguyên sẽ phấn đấu tự cân đối ngân sách vào cuối năm 2019 này. Chiếu theo quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg cũng như Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, nếu tự cân đối được ngân sách thì kinh phí hỗ trợ học tập cho HS, SV thuộc đối tượng chính sách sẽ do ngân sách tỉnh chi trả, không được Trung ương hỗ trợ.

Liệu có phải vì lo “gánh nặng” này nên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã sớm tham mưu để UBND tỉnh ban hành chủ trương chỉ chi ngân sách tỉnh để đào tạo HS, SV thuộc đối tượng chính sách “là người của tỉnh”; còn HS, SV có hộ khẩu ở tỉnh khác thì không được? Câu hỏi này xin gửi tới các cấp ngành liên quan của tỉnh Thái Nguyên.

SỸ HÀO