Học nhau xin thoát nghèo
Giáo Hiệu là xã khu vực III của huyện nghèo Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Tính đến tháng 9/2022, theo chuẩn nghèo của giai đoạn 2022 - 2025, toàn xã có 431 hộ (hơn 2.000 nhân khẩu) thì có tới 181 hộ nghèo với 882 nhân khẩu (chiếm 42% tổng số hộ); 56 hộ cận nghèo, với 254 nhân khẩu (chiếm 12,99% tổng số hộ). Hiện xã vẫn còn đang chật vật để xây dựng nông thôn mới khi có tới 4 tiêu chí rất khó đói với xã là thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí môi trường - an toàn thực phẩm.
Trong cái khó khăn chung đó, ở Giáo Hiệu lại đang lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường của người dân từ những lá đơn tự nguyên xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Đầu tiên là gia đình anh Hừ A Dỉa, sinh năm 1990, dân tộc Mông ở thôn Cốc Lào; kế đó là thêm 4 gia đình khác. Họ học tập tinh thần của anh Dỉa, xin thoát nghèo để tự lực vươn lên.
Gia đình anh Ma A Sinh, dân tộc Dao, ở thôn Khâu Slôm, là hộ thứ hai tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo năm 2021 của Giáo Hiệu. Theo anh Sinh, trước đây, anh nghĩ sẽ rất khó thoát nghèo vì nền tảng kinh tế của gia đình, của thôn cơ bản là không đáp ứng đủ điều kiện để vươn lên. Nhưng thấy anh Dỉa ở thôn Cốc lào, dù còn trẻ, gia cảnh cũng chẳng hơn mình, lại tự tin xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã và đã làm được nên thôi thúc quyết tâm của anh.
“Biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng mình sẽ cố gắng cùng cả gia đình phát triển kinh tế. Điều gì chưa biết sẽ hỏi cán bộ xã tư vấn, giúp đỡ nên mình cũng yên tâm”, anh Sinh tự tin cho biết.
Quyết định của Ma A Sinh có thể xem là táo bạo đối với người dân thôn Khâu Slôm, bởi toàn thôn đều đang thuộc diện nghèo. Quy chiếu vào chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, với tiêu chí thu nhập và 6 chỉ tiêu dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 12 chỉ số), toàn thôn có 58 hộ thì có 47 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Quyết tâm của anh Sinh đã tiếp thêm niềm tin cho người dân thôn Khâu Slôm; đến nay, thôn đã có thêm 3 hộ tự nguyện xin thoát khỏi diện nghèo, trong đó có Trưởng thôn Ma Văn Dênh.
Những lá đơn xin thoát nghèo ở thôn Khâu Slôm đang “thắp lửa” cho ý chí tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc ở xã Giáo Hiệu nói riêng, ở huyện Pác Nặm nói chung. Tính đến tháng 9/2022, ngoài thiếu hụt về thu nhập thì hộ nghèo, cận nghèo ở xã Giáo Hiệu chủ yếu thiếu hụt về chỉ số việc làm và trình độ giáo dục của người lớn, với tỷ lệ lần lượt là 73,48% và 63,54%. Toàn xã không còn hộ nào thiếu hụt ở chỉ số nguồn nước sinh hoạt.
Mặc dù tỷ lệ hộ hộ nghèo, cận nghèo còn rất cao, nhưng Giáo Hiệu là một trong hai xã (cùng với xã Bộc Bố) có tỷ lệ hộ nghèo dưới 50% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của huyện Pác Nặm. Các xã còn lại (gồm: Công Bằng, Nhạn Môn, Bằng Thành, Cao Tân, Nghiên Loan, An Thắng, Xuân La và Cổ Linh) đều có tỷ lệ hộ nghèo cao, từ 58% đến trên 67%. Bởi vậy, quyết tâm vươn lên, bắt đầu từ những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của hộ nghèo có ý nghĩa lớn đối với công tác giảm nghèo của Pác Nặm.
“Gió đã ở lại trong những ngôi nhà trống”
Những lá đơn tự nguyên xin thoát nghèo ở xã Giáo Hiệu nói riêng cũng như ở nhiều địa phương khác trên cả nước thời gian qua là một điểm rất sáng trong lĩnh vực giảm nghèo của nước ta. Công tác giảm nghèo bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi người dân.
Rõ ràng, niềm tin, khát vọng muốn thoát nghèo của người dân đã và đang được củng cố; những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều, từ những tỉnh khó khăn như Điện Biên đến những tỉnh rộng lớn, đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum.... Thậm chí, có những lá đơn của các cụ già cao tuổi xin ra khỏi hộ nghèo để dành những chính sách giảm nghèo cho người nghèo hơn.
Đây là thành quả quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trong những năm qua, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Chính sách hỗ trợ người nghèo, dù có nhiều bao nhiêu cũng chẳng thể đủ, nếu tâm lý trông chờ của người nghèo vẫn chưa được rũ bỏ. Những lá đơn xin thoát nghèo là minh chứng, “gió đã bắt đầu ở lại trong những ngôi nhà trống”.
Ý chí tự lực, tự cường của người nghèo càng có vai trò then chốt trong hành trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn mới. Bởi, theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo. Việc hỗ trợ mang tính chất “cho không” sẽ không còn; bởi vậy để thoát nghèo thì người nghèo phải tích cực, chủ động.
“Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với họ như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định”, ông Thắng cho biết.
Thực tế cho thấy, nếu cứ canh cánh bám rít vào cái sổ hộ nghèo mà không tự mình bứt khỏi tư tưởng “thoát nghèo” e rằng khó mà thay đổi tương lai. Do đó, để vươn lên thì đầu tiên phải thoát nghèo về tư tưởng. Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, để giảm nghèo bền vững thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo.