Đặc điểm của thảo quả
Thảo quả (tên tiếng Anh là Cardamom) là một loại gia vị thuộc họ Gừng, có nguồn gốc từ Ả Rập và Trung Đông, từ lâu đã tồn tại trong thực đơn các món ăn phương Đông. Không chỉ là một loại gia vị phổ biến, thảo quả còn là một vị dược liệu được ứng dụng nhiều trong điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe.
Thảo quả có hình dáng giống cây gừng nhưng cao và to hơn gừng nhiều lần. Thảo quả sống lâu năm, có thể cao khoảng 2,5 – 3 m. Rễ thân mọc ngang, có đốt, đường kính khoảng 2,5 – 4 cm, vỏ ngoài có màu hồng, ở giữa màu trắng nhạt, có mùi thơm.
Lá thảo quả mọc so le , mặt lá màu xanh sẫm, phía dưới xanh nhạt hơn. Bẹ lá có nhiều khía dọc. Mỗi phiến lá dài khoảng 50 – 70 cm.
Hoa Thảo quả thường mọc thành cụm ở gốc. Cụm hoa thường dài khoảng 13 – 20 cm, có màu đỏ nhạt. Mỗi bông hoa có thể cho ra nhiều quả, quả chín có màu đỏ nâu, dài khoảng 2,5 – 4 cm, rộng 1,5 – 2 cm. Vỏ quả dày 5 mm, chia thành 3 ô, mỗi ô có khoảng 7 – 8 hạt hình tháp, ép sát vào nhau, mùi thơm.
Thảo quả có hàm lượng dinh dưỡng vô cùng phong phú như: protein, các chất vitamin A, C, D, chất xơ và nhiều loại khoáng chất tốt cho sức khỏe khác.
Công dụng chữa bệnh từ thảo quả
Trong y học: Thảo quả là một loại dược liệu quý bởi tính ấm, hương thơm nồng, vị cay. Dược liệu thảo quả rất tốt đối với chữa trị các bệnh lý như trục hàn, trừ đờm, tiêu tích, ấm bụng, giúp ăn ngon miệng, giải độc… Ngoài ra thảo quả còn được dùng để kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng, nôn mửa, sốt, tiêu chảy, ho, chống được bệnh ung thư.
Tuy thảo quả là một dược liệu quý của Việt Nam nhưng không phải bộ phận nào của thảo quả cũng có thể dùng làm thuốc, chỉ có hạt của thảo quả mới được sử dụng làm thuốc.
Trong ẩm thực: Thảo quả được coi là nữ hoàng của các loại gia vị, vì thảo quả có đặc tính là mùi rất thơm, và vị của nó vừa ngọt lại đan xen chút cay nồng đặc trưng thảo quả, trong thảo quả có hàm lượng dinh dưỡng cao rất tốt cho cơ thể.
Thảo qủa khi phơi, sấy khô thường được dùng làm gia vị trong ẩm thực nhằm tăng thêm hương vị thơm ngon cho các món ăn, ngoài ra loại thảo dược này còn được sử dụng làm phụ gia cho thức uống như cà phê, trà.
Bài thuốc chữa bệnh từ thảo quả
Chữa sốt rét, trị đờm lỏng: Dùng 12g thảo quả, hậu phác, thanh bì, hạt cau, trần bì, 4g cam thảo 4g. Cho vào nồi nửa phần nước, nửa phần rượu rồi sắc cùng các vị thuốc trên, dùng uống trong ngày.
Hoặc: Thảo quả nhân 20g nghiền bột, cuộn vào tấm vải màn, khoảng 1 giờ trước khi lên cơn sốt rét, nút vào một bên lỗ mũi nhằm cắt cơn sốt rét.
Hoặc: Thảo quả nhân 8g, phụ tử chế 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng cho người mắc chứng sốt rét, rét nhiều mà nóng ít hoặc chỉ rét không nóng, hay hàn tỳ tiêu chảy, không ăn uống được.
Hoặc: Thảo quả, kha tử mỗi loại 10g, đại táo 12g, sinh hương 7 miếng sắc cùng với 600 ml nước cho đến khi còn 200 ml là được. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Bài thuốc này thiên về chữa sốt rét đờm đặc, nóng.
Trị đau dạ dày: Dùng 6g thảo quả đã được nướng chín, hậu pháp, hoặc hương, sinh khương, đại táo mỗi vị 12g, thanh bì, thần khúc, bán hạ khúc mỗi vị 8g, cam thảo, đinh hương mỗi vị 4g. Sau đó sắc lấy nước dùng uống trong ngày.
Chữa đi đại tiện ra máu, xích bại lị: Dùng thảo quả, chỉ xác, địa du, cam thảo mỗi vị có lượng bằng nhau. Mang các nguyên liệu tán thành bột mịn, dùng 6g hòa nước mỗi ngày uống 2 lần.
Trị đau bụng, tiêu chảy: Dùng 10g thảo quả, 10g kha tử, 7 miếng gừng sống, 7 quả táo đen. Nấu các nguyên liệu cùng với 300ml nước, sắc còn 200ml nước và chia làm 3 lần uống trong ngày.
Trị tiêu chảy phân sống ở trẻ nhỏ: Dùng thảo quả 5g, gừng tươi 3g cho vào nồi nước, sắc lấy nước bỏ phần bã. Sau đó cho thêm 30g gạo nếp tẻ vào nước thuốc sắc trên nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn 2 lần lúc đói. Liệu trình điều trị kéo dài khoảng 2 – 3 ngày.
Trị đầy hơi chướng bụng: Dùng thảo quả đã nướng, thần khúc, thanh bì, cao lương khương mỗi vị 6g, hậu phác, hoắc hương, đại táo, sinh khương mỗi loại 10g, đinh hương, cam thảo mỗi vị 4g. Cho tất cả vào ấm và sắc cùng 500ml nước uống trong ngày.
Trị đau bụng, bụng đầy chướng, tỳ hư tả tiết: Thảo quả 6g, cam thảo chích 6g, sa nhân 6g; thần khúc, mạch nha, đại táo, sinh khương mỗi vị 8g. Sắc uống.
Trị chứng hàn thấp tích vào trong, ngực bụng đau chướng: Dùng thảo quả (lùi chín) 6g, hậu phác 12g, hoắc hương 12g, thanh bì 8g, bán hạ khúc 8g, thần khúc 8g, đinh hương 4g, cao lương khương 6g, cam thảo 4g, sinh khương 12g, đại táo 12g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Điều trị suy nhược cơ thể, kén ăn, khó tiêu: Lấy 1 con gà trống cỡ 1kg, làm sạch, chặt thành từng miếng. Đem 6g thảo quả, 6g giềng, 3g trần bì, 3g hồ tiêu cho vào túi vải, cho gà vào túi bỏ trong nồi nước, hầm nhừ. Ăn 2 đến 3 lần trong ngày, 1 tuần ăn từ 2 đến 3 lần.
Trị hôi miệng: Thảo quả đập dập, ngậm trong miệng và nuốt nước dần.
Lưu ý
Những đối tượng không nên dùng: bệnh nhân mắc chứng âm huyết hư, phụ nữ có thai và đang cho con bú, bệnh nhân sỏi thận, sỏi mật…
Tác dụng phụ có thể gặp phải là phát ban, khó thở, đau tức ngực,…
Sử dụng thảo quả trong thời gian dài cần tham khảo ý kiến bác sĩ.