Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sống khỏe

12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà

Như Ý - 15:02, 09/08/2023

Gàu không chỉ đem đến cảm giác ngứa ngáy, khó chịu mà còn khiến bạn cảm thấy mất đi sự tự tin. Việc trị gàu bằng các loại thảo dược là một trong những giải pháp an toàn và hiệu quả nhất. Sau đây chúng ta cùng điểm danh những loại thảo dược có tác dụng trị gầu hiệu quả đồng thời giúp cho mái tóc của bạn luôn đẹp, bóng, khỏe mỗi ngày nhé.

(Tổng hợp) 12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà

Nguyên nhân

Gàu là tình trạng da đầu bị khô, ngứa, và xuất hiện những mảng vảy trắng. Nguyên nhân dẫn đến gàu là do nấm Malassezia. Đây là một loại nấm ăn bã nhờn do da đầu tiết ra và phân hủy bã nhờn này thành các axit béo gây kích ứng da đầu.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân là do bạn bị viêm da tiết bã nhờn do vảy nến, chế độ sinh hoạt chưa khoa học, căng thẳng nhiều, không tẩy da chết da đầu …Chế độ ăn thiếu một số các hoạt chất như kẽm, vitamin nhóm B, omega-5,…

Cũng có thể bạn bị kích ứng khi dùng các loại dầu gội đầu hay chăm sóc da đầu không phù hợp.

(Tổng hợp) 12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà 1

Những loại cây lá trong vườn giúp trị gàu hiệu quả

Cây hương nhu

Trong cây hương nhu có chứa các chất chống oxy hóa, giúp tóc luôn chắc khỏe. Ngoài ra, cây hương nhu còn chứa các hoạt chất camphene và thymol với tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm thiểu các tình trạng kích ứng trên da có tác dụng tốt trong việc loại bỏ các chất nhờn, dầu thừa, tế bào chết trên da đầu. Từ đó, giúp tóc luôn chắc khỏe, mềm mượt và loại bỏ gàu hiệu quả.

Bạn cần chuẩn bị khoảng 6g hương nhu, bỏ sạch lá hỏng, đem rửa. Sau đó đun nhẹ với nước sôi trong 5 phút. Bỏ bã lấy nước để gội đầu. Bạn cần kiên trì thực hiện 3 lần mỗi tuần để hiệu quả trị gàu tốt hơn.

(Tổng hợp) 12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà 2

Bồ kết

Trong bồ kết có các thành phần hóa học như saponin, flavonoid, saponarentin,... giúp trị gàu và ngứa da đầu hiệu quả. Bạn chỉ cần đem nướng hoặc rang 4 - 5 quả bồ kết khô, thêm nước rồi mở nhỏ lửa khoảng 15 phút. Sau đó hòa với nước lạnh và gội đầu. Bạn có thể thêm nước cốt chanh để tăng khả năng làm sạch da đầu giúp cho mái tóc bạn luôn khỏe mạnh, bóng mượt.

Trầu không

Lá trầu không được nhiều người sử dụng như một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng diệt khuẩn rất tốt. Lá trầu được sử dụng để gội đầu nhằm điều trị các bệnh gàu, nấm ngứa trên da đầu.

Bạn cần chuẩn bị 5 – 7 quả bồ kết già và 10-15 lá trầu không đem lá trầu không rửa sạch, vò cho dập và cho vào nồi đun. Bồ kết rửa sạch cho hết bụi, bẻ nhỏ và bỏ hạt. Đem bồ kết vào chung nồi với lá trầu đã vò, thêm 2 lít nước và đun sôi lửa vừa trong 10 phút. Tắt bếp cho nước nguội bớt và thêm nước lạnh với nhiệt độ vừa phải. Gội đầu với nước lá trầu không và bồ kết rồi sau đó gội lại bằng nước lạnh 1-2 lần/ tuần.

(Tổng hợp) 12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà 3

Cỏ ngũ sắc

Đây là loại cỏ có tác dụng diệt khuẩn, nấm. Tuy nhiên cần kết hợp chung với bồ kết bởi bồ kết có tác dụng làm mềm da đầu, phục hồi phần da đầu bị bong tróc và dưỡng tóc.

Bạn nên dùng cỏ ngũ sắc khô 50g, bồ kết khô 20g, cỏ hôi rửa sạch cùng với bồ kết nấu nước gội đầu. Bạn không cần phải dùng dầu gội đầu trước mà có thể dùng hỗn hợp này để thay thế cho đến khi trị gàu xong. Sau khi gội đầu xong, bạn hãy nhớ gội sạch lại bằng nước sạch.

Bạc hà

Thành phần trong bạc hà bao gồm có menthol, menthyl acetat,L-pinen, L-menthon, L-limonen, flavonoid. Những thành phần đó hết sức có lợi cho tóc như ngăn ngừa lượng dầu tiết ra khiến tóc bết dính, mất tự tin.

Dùng lá bạc hà gội đầu chính là cách giúp tóc bạn hạn chế lượng dầu, làm mái tóc mát và óng mượt. Thành phần có trong bạc hà cũng giúp da đầu bạn khỏe, kích thích tóc mọc nhanh hơn. Khi bạn kết hợp bạc hà cùng dấm táo để dùng gội đầu thì thúc đẩy tuần hoàn da đầu hiệu quả và hạn chế lượng gàu cho mái tóc.

(Tổng hợp) 12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà 4

Cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu có chứa một hàm lượng muối nitric rất cao. Thành phần này giúp tóc luôn đen, loại bỏ gàu, tóc khỏe ngừa tình trạng rụng tóc và bạc tóc có thể xảy ra. Cùng đó trong cỏ mần trầu cũng chứa một lượng beta-sitosterol giúp ức chế hormon DHT một nguyên nhân khiến tóc gãy rụng và chậm mọc. Nhờ vậy, cỏ mần trầu giúp tóc luôn chắc khỏe, giảm xơ và mọc nhanh hơn.

Bạn cần đem 200g cỏ mần trầu bỏ rễ và rửa thật sạch với nước. Đem đun sôi cỏ mần trầu trong khoảng 5-10 phút rồi lọc bỏ bã, lấy nước cốt và đem gội đầu. Bạn nên cho chân tóc thấm ướt hết nước cỏ mần trầu, sau đó massage nhẹ nhàng. Thực hiện khoảng 2-3 lần như vậy trong mỗi lần gội. Nên thực hiện liên tục 2-3 lần/tháng để hiệu quả đạt được tốt nhất.

Lá ổi non

Trong thành phần của lá ổi có các hoạt chất như tanin, cóalpha-limonen, axit maslinic… có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm giúp giảm các triệu chứng do nấm da đầu gây nên.

Bạn có thể lấy một nắm lá ổi tươi, rửa thật sạch rồi vỏ nát. Bỏ lá ổi vào nồi đun với 2 lít nước cho đến khi còn 1 lít thì tắt bếp. Vắt nửa quả chanh vào nồi nước, thêm một chút muối để tăng thêm công dụng. Dùng nguyên liệu này gội đầu, sau khi thoa nước lá ổi lên da đầu thì nên ủ khoảng 10 phút để tinh chất thấm vào bên trong. Cuối cùng gội lại cho thật sạch. Áp dụng 3 lần mỗi tuần cho đến khi lành bệnh.

(Tổng hợp) 12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà 5

Vỏ quả chanh

Vỏ chanh cung cấp nhiều thành phần kháng khuẩn và kháng nấm, vì vậy bạn có thể sử dụng vỏ chanh là một trong những dược liệu giúp loại bỏ gàu. Bạn hãy gọt lấy khoảng 3- 4 vỏ quả chanh bỏ vào nước và đun sôi, tắt bếp để nguội rồi sử dụng để gội đầu.

Quả đu đủ

Qủa đu đủ có chứa nhiều papain là hoạt chất có khả năng ức chế sự phát triển của vi nấm. Ngoài ra dưỡng chất trong nguyên liệu này còn có tác dụng chăm sóc, kích thích mọc tóc.

Bạn có thể lấy 1 quả đu đủ chín, bỏ phần vỏ và hạt đi chỉ lấy phần thịt. Đem thịt đu đủ xay nhuyễn rồi thoa lên tóc cho thật đều. Ủ tóc khoảng 20 phút cho tinh chất của đu đủ thấm sâu vào chân tóc và gội lại thật sạch. Mỗi tuần tiến hành từ 2 đến 3 lần sẽ thấy nấm da đầu giảm hẳn.

Trị gàu bằng tỏi

Tỏi nổi tiếng với đặc tính chống vi khuẩn và nấm. Vì thế, bạn có thể sử dụng tỏi để trị gàu. Bạn chỉ cần nghiền nát 1 - 2 tép tỏi rồi trộn với nước. Sau đó bôi lên da đầu rồi gội đầu. Để tránh mùi hôi của tỏi, bạn có thể bổ sung mật ong và gừng vào hỗn hợp trên.

Lá Neem

Còn được gọi là tử đinh hương Ấn Độ, đây là một loại thảo dược tuyệt vời để chữa nhiều vấn đề về da, tóc và gàu. Đun sôi một vài lá neem trong nước và để nguội. Massage nước này lên da đầu của bạn và đợi khoảng trên 1 giờ hoặc lâu hơn trước khi gội đầu. Đây là một phương pháp điều trị rất nhẹ nhàng nhưng hiệu quả nhờ các thuộc tính kháng khuẩn và chống nấm của lá nem.

(Tổng hợp) 12 loại thảo dược trị gàu hiệu quả tại nhà 6

Lô hội

Gel lô hội là một thành phần đa tác dụng, rất có lợi cho da và tóc. Nó đặc biệt tốt cho những người da khô. Gel sẽ cung cấp mức độ hydrat hóa tuyệt vời mà không bị quá nhờn. Gội đầu sau khi massage gel lô hội, bạn sẽ có da đầu sạch gàu.

Lưu ý

Hiệu quả của cách điều trị còn tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người. Tuy nhiên điều trị gàu bằng các nguyên liệu tự nhiên thường sẽ cần khoảng thời gian dài để thật sự có tác dụng. Bạn nên kiên nhẫn và sử dụng các nguyên liệu này liên tục 2 - 3 lần/ tuần.

Bổ sung vitamin và kẽm để chăm sóc da đầu từ bên trong. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cụ thể nhớ bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi để tăng cường sức đề kháng., uống nhiều nước để đảm bảo độ ẩm cho da đầu.

Chú ý vệ sinh, gội đầu thường xuyên, nhất là những khi trời nóng.

Bên cạnh đó cũng nên hạn chế các thực phẩm dễ gây kích ứng da, rượu bia và các chất kích thích… có thể làm bệnh thêm trầm trọng. 

Tin cùng chuyên mục
Viêm mũi dị ứng - đôi điều bạn cần biết

Viêm mũi dị ứng - đôi điều bạn cần biết

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà. Bệnh lý này tương đối lành tính nhưng thường gây ra nhiều vấn đề khó chịu cho người bệnh trong cuộc sống hằng ngày.