Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do vi rút, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn Tả (còn gọi là bệnh Tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Vào mùa hè, mọi người thường có thói quen sử dụng kem, nước đá, các loại thức uống giải khát ở vỉa hè, dọc đường không đảm bảo vệ sinh rất dễ nhiễm độc, gây tiêu chảy.
Mặt khác, mùa nắng nóng thực phẩm rất dễ hỏng (cả thực phẩm tươi sống, cả thực phẩm chín) nếu không được bảo quản tốt, ăn phải các loại thực phẩm này rất dễ bị ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy cấp.
Những người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiêu chảy
Những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối...; Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ; Sử dụng phân tươi hoặc phân chưa được xử lý đảm bảo vệ sinh trong trồng trọt; Dân cư tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt...
Triệu chứng
Khi bị tiêu chảy, người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày, phân toàn nước, có thể kéo dài 5-7 ngày hoặc hơn. Ngoài ra, có thể có sốt cao (trên 38ºC), khát nước nhiều, phân có thể nhầy hoặc lẫn máu, đầy bụng, ăn kém hoặc bỏ ăn, thường buồn nôn, nôn và kèm theo đó là triệu chứng đổ mồ hôi lạnh, lừ đừ, mệt mỏi. Nôn và tiêu chảy nhiều lần dễ dẫn tới mất nước và chất điện giải.
Biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.
Ở trẻ em bị tiêu chảy thường hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật hoặc mệt lả nằm li bì do mất nước và điện giải. Mất nước do tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong ở trẻ em.
Cách phòng bệnh tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy có khả năng lây lan rất nhanh và gây thành dịch lớn, có rất nhiều người, nhất là trẻ em đã tử vong do căn bệnh này. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao công tác phòng chống và nghiêm túc thực hiện:
Đẩy mạnh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc với vùng đang có dịch.
Thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, tiết canh, chỉ sử dụng thực phẩm tươi mới, không tập trung ăn uống nơi đông người tránh việc bệnh lây lan…Cần cách ly người bệnh với người lành, đặc biệt không dùng chung các dụng cụ dùng trong ăn, uống.
Với trẻ em cần cho trẻ tiêm chủng các loại vắc -xin do y tế tư vấn.
Khi phát hiện bản thân hay người thân có những dấu hiệu bất thường về tiêu chảy cấp, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và chăm sóc kịp thời.
Điều trị tiêu chảy cấp tại nhà
Để xác nhận triệu chứng tiêu chảy cấp của mình có liên quan đến bất kỳ bệnh nguy hiểm nào khác không, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tự điều trị và chăm sóc tại nhà. Sau khi chắc chắn có thể chăm sóc tại nhà, người bệnh tiêu chảy cấp có thể thực hiện các biện pháp sau để giúp nhanh chóng hồi phục và tránh các biến chứng của tiêu chảy cấp như mất nước, kiệt sức, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Bù điện giải: Cơ thể sẽ bị mất nước do tiêu chảy cấp sau mỗi lần đi ngoài, do đó điều quan trọng người bệnh cần phải bồi phụ nước và điện giải đủ cho cơ thể bằng cách uống nước lọc, nước ép trái cây, khoảng 2-3 lít (8-12 cốc) được uống rải đều trong một ngày. Tốt nhất, các bác sĩ thường khuyên người bệnh tiêu chảy nên uống dung dịch điện giải để bổ sung muối, kali và các chất điện giải khác mà cơ thể mất khi bị tiêu chảy ví dụ dung dịch oresol.
Chế độ dinh dưỡng: Các loại thực phẩm người bị tiêu chảy cấp nên dùng là gạo, bột gạo, bánh mì nướng, khoai tây, cà rốt. Với nhóm thực phẩm bổ sung đạm, người bệnh nên chọn thịt gà, lợn nạc, dầu thực vật. Ngoài ra, nên ăn các loại trái cây như chuối, táo, hồng xiêm, ổi chín,...
Đặc biệt cần tránh các thực phẩm có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn hoặc tạo nhiều hơi trong bụng như: Thực phẩm béo hoặc chiên nhiều dầu mỡ, rau sống, thức ăn cay, đồ uống chứa caffein, như cà phê và soda, các loại đậu, cải bắp.
Bổ sung men vi sinh: Men vi sinh là các vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa để hỗ trợ hoạt động của ruột và giúp chống lại nhiễm trùng, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh chóng hồi phục. Men vi sinh có trong một số loại sữa chua và các thực phẩm lên men khác.
Trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu thấy các dấu hiệu như sau: Đau bụng dữ dội, có máu trong phân hoặc phân màu đen, mất nước nghiêm trọng hơn, khát nước nhiều, đi tiểu ít hơn bình thường, khô miệng và mệt mỏi kéo dài, bị sốt từ 39 độ C trở lên. Hơn 48 giờ điều trị tại nhà mà các triệu chứng của tiêu chảy cấp không đỡ hoặc nặng hơn thì cần phải đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.