Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở

Hoàng Sa - 10:48, 15/12/2022

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã và đang khẳng định được vai trò trong việc giúp các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, thực tế tại cơ sở cho thấy, việc triển khai công tác hòa giải cơ sở vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.

 (CĐ- Bộ Tư Pháp): Tháo gỡ vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải là giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở

Ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 12/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, công tác hòa giải ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực; tuy nhiên, kết quả chưa đảm bảo mục tiêu 80%.

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, toàn tỉnh có 1.718 tổ hoà giải với 10.891 hoà giải viên. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hòa giải thành công của toàn tỉnh mới đạt từ 69% đến 75%/năm, chưa đạt chỉ tiêu 80% tỉnh đề ra (tỷ lệ hòa giải thành trung bình của cả nước trên 80%). Đơn cử năm 2021, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 3.052/4.098 vụ việc, đạt tỉ lệ 75%; 9 tháng đầu năm 2022, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 1.879/2.604 vụ việc, đạt 72%. Nội dung hoà giải chủ yếu là những tranh chấp trong nội bộ Nhân dân về đất đai, đồi rừng, tài sản, hôn nhân gia đình…

Thực tế cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở còn nhiều khó khăn, hạn chế, chất lượng, hiệu quả hòa giải ở cơ sở chưa đồng đều trong phạm vi toàn tỉnh; nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa được phát hiện hoặc phát hiện nhưng chưa hòa giải, hòa giải không kịp thời nên dẫn đến tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn một số huyện vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, một số cấp uỷ, chính quyền huyện, xã chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, chưa quan tâm bố trí, nâng nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng đó, trình độ năng lực, kỹ năng hòa giải của các hòa giải viên ở cơ sở còn nhiều hạn chế; việc tham dự tập huấn, kỹ năng hòa giải của hòa giải viên ở một số địa phương chưa đông đủ…

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, tỷ lệ hòa giải thành công trong những năm qua trở lại đây vẫn duy trì trên 80%, đáp ứng yêu cầu Bộ Tư pháp đề ra. Công tác này đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, trên thực tế kết quả trên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khi công tác hòa giải ở cơ sở chưa được một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã quan tâm chỉ đạo đúng mức. Công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, cấp kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, việc thực hiện các thủ tục hành chính về công tác hòa giải ở cơ sở, chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở ở một số nơi chưa cao…

 (CĐ- Bộ Tư Pháp): Tháo gỡ vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở 1
Cần đẩy mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác hòa giải ở cơ sở (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, mặc dù luật đã có hiệu lực gần 10 năm, nhưng hiện nay một số địa phương, ngành vẫn chưa hiểu hết bản chất, quy định đối với công tác hòa giải ở cơ sở, vẫn còn nhầm lẫn giữa hòa giải ở cấp xã và hòa giải ở cơ sở nên trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quản lý về hòa giải ở cơ sở còn nhiều sai sót, hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác hòa giải ở cơ sở đôi lúc chưa thật chặt chẽ…

Có thể thấy, công tác hòa giải ở cơ sở dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song, nhìn chung vẫn còn một số những hạn chế, vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền các đoàn thể, tổ chức chính trị tại địa phương trong thực hiện các vụ việc hòa giải. Theo đó, hàng năm, tại các địa phương, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp- hộ tịch cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng chương trình phối hợp với Uỷ ban Mặt trật Tổ quốc và tổ chức thành viên chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của các Tổ hòa giải; tạo điều kiện và động viên, khuyến khích hội viên, thành viên của mình tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải, hoạt động giám sát công tác hòa giải...

Đồng thời, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải. Hằng năm, ngành Tư pháp cần tăng cường tổ chức tập huấn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải. Tổ chức hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm hòa giải hay, kỹ năng hòa giải có tính giáo dục, thuyết phục cao nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hòa giải viên… Từ đó, từng bước giải quyết những hạn chế vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.