Nhà máy nước sạch nhưng nước nhiễm phèn
Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi về xã Tịnh Long để “mục sở thị” công trình nước sạch được đầu tư tiền tỉ nhưng không hoạt động, xuống cấp, nằm hoang phế giữa đồng.
Từ xa, cũng có thể nhìn thấy trụ nước hoành tráng, mọc lên giữa đồng lúa của công trình nước sạch khu TĐC Đồng Bến Sứ. Nhưng khi lại gần thì bên trong, sắt đã hoen rỉ, tường rào xây thủng lỗ chỗ, sân cỏ mọc um tùm, khu nhà bảo vệ, nhà điều hành trong cảnh hoang tàn, bẩn thỉu, rác thải vứt bừa bãi.
Theo người dân địa phương, sở dĩ công trình nước sạch này đóng cửa, là do được xây dựng ở khu vực nước bị nhiễm phèn nặng, không thể xử lý thành nước sạch để dùng cho sinh hoạt.
Ông Đoàn Minh Đình, khu TĐC Đồng Bến Sứ, thôn Tăng Long, cho rằng: Ở khu vực này, chỉ cần đào sâu 6 m là phèn phun lên. Không hiểu sao khi khảo sát làm công trình nước sạch, chủ đầu tư lại không hỏi dân để khảo sát, lại đi đào giếng giữa ruộng để cung cấp nước sạch cho dân. Đến khi công trình hoàn thành, cung cấp nước sạch sinh hoạt vào năm 2013, phèn phun lên không thể sử dụng được.
“Khu TĐC này trước đây, là khu nghĩa địa nên nguồn nước ngầm có nguy cơ ô nhiễm. Do đó, khi thấy có công trình nước sạch được đầu tư xây dựng, người dân rất vui mừng hy vọng nước sẽ được xử lý đảm bảo an toàn. Vậy mà công trình xây dựng xong, nguồn nước vẫn bị nhiễm phèn như thế, không ai dám sử dụng rồi bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí tiền của”, ông Đình tỏ ra bức xúc.
Tại khu vực này, còn có một công trình nước sạch khác cũng bị bỏ hoang nhiều năm nên cỏ mọc um tùm. Ông Ngô Mộng Đạt, một người dân địa phương cho biết: Công trình nước sạch này được đưa vào sử dụng vào năm 2012, khi đó bà con ai cũng đăng ký bắt nước sạch, nhưng hôm thì có nước, lúc thì không nên rất bức xúc. Dần dần không ai dùng nước này nên công trình bỏ hoang nhiều năm nay.
“Hồi mới đưa vào sử dụng, mỗi khối nước được tính với giá 5.500 đồng. So với những nơi khác, thời điểm đó giá này là tương đối cao. Tuy nhiên, nếu chất lượng nước mà đảm bảo thì người dân cũng chấp nhận mua để sử dụng. Đằng này thấy nhiễm phèn như thế nên chúng tôi không yên tâm rồi tự khoan giếng, mua máy lọc nước về sử dụng”, ông Đạt chia sẻ thêm.
Vẫn chưa có hướng giải quyết
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết, những năm gần đây địa bàn xã bị xâm nhập mặn rất nhiều, nên nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn nặng. Dự kiến sẽ nhập 2 công trình nước sạch làm một, cung cấp cho toàn xã, gần 2.000 hộ dân, nhưng bất thành. Cả 2 công trình nước sạch đều thu không đủ chi cho công tác vận hành, phải bù lỗ hằng năm. Xã không thể nào vận hành công trình nước, vì không biết kỹ thuật, nên đã kiến nghị nhiều lần lên TP. Quảng Ngãi, đề nghị giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi quản lý, cung cấp nước cho dân sử dụng.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng của 2 công trình nước sạch tại xã Tịnh long, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Đơn vị đã nắm được thực trạng hoạt động không hiệu quả, xuống cấp trầm trọng của 2 công trình nói trên.
“Chúng tôi đã làm việc với các đơn vị liên quan nhiều lần về vấn đề này. Tuy nhiên, do là một đơn vị sự nghiệp, chỉ quản lý các vùng nông thôn, còn xã Tịnh Long thuộc TP. Quảng Ngãi (đô thị) nên không thuộc vùng quản lý. Trong trường hợp nhận quản lý 2 công trình nước sinh hoạt xã Tịnh Long, thì rất lo khi vận hành sẽ lỗ. Trong khi đó, thiết bị và hạ tầng 2 công trình đã hư hỏng quá lớn. Nếu tiếp nhận phải bỏ hàng tỉ đồng mới mong sửa chữa được", ông Lê Văn Minh cho biết.
Trao đổi về thực trạng này, ông Hà Hoàng Việt Phương, Chủ tịch TP. Quảng Ngãi cho biết: Liên quan đến 2 công trình trên, thành phố nhắc nhở xã Tịnh Long và các đơn vị liên quan, chứ không quy trách nhiệm để kiểm điểm, kỷ luật. "Hướng sắp tới sẽ bàn giao công trình lại cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi quản lý, vận hành. Sau đó sẽ phối hợp với các ban ngành, bàn cách tháo gỡ những khó khăn để đưa 2 công trình nước sạch này vào vận hành trở lại".