Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cường Lợi (Na Rì, Bắc Kạn): Nhiều công trình nước sạch không phát huy hiệu quả

PV - 15:31, 24/12/2018

Từ sự quan tâm của Nhà nước, xã Cường Lợi (Na Rì) đã được đầu tư nhiều công trình nước sạch tự chảy phục vụ người dân, nhất là các thôn, bản vùng cao còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, niềm vui được dùng nước sạch của người dân chưa được bao lâu thì các công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng, thậm chí “đắp chiếu”… ngừng hoạt động.

Công trình cấp nước sạch thôn Nà Chè, xã Cường Lợi hoạt động cầm chừng, hiện nước trong bể sắp cạn. Công trình cấp nước sạch thôn Nà Chè, xã Cường Lợi hoạt động cầm chừng, hiện nước trong bể sắp cạn.
Nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả

Năm 2002, xã Cường Lợi được đầu tư xây dựng hai công trình nước sạch tự chảy ở thôn Nà Khưa và thôn Nà Chè nhằm cấp nước cho hàng trăm hộ dân. Sau một năm xây dựng, công trình bàn giao, đưa vào sử dụng, người dân vùng miền núi nghèo rất phấn khởi khi lần đầu tiên được nhìn thấy

nước sạch và được sử dụng nước sạch như người thành phố.

Ông Nông Văn Lạng nhà ở ngay chân đồi nơi có công trình cấp nước sạch, cho biết: “Khi nước sạch được dẫn về nhà, không chỉ riêng gia đình tôi mà các hộ dân trong thôn ai cũng vui mừng, bởi không còn phải vất vả đi bộ vài cây số vào tận các khe suối “cõng” nước về nhà mà vẫn không đủ dùng”. Thế nhưng niềm vui ấy của bà con chỉ tồn tại trong vài năm thì nước sạch trở nên hiếm hoi và bắt đầu chảy nhỏ giọt.

Không còn được sử dụng nước sạch, ngoài cách dẫn nước truyền thống, bà con đành tiết kiệm, vay mượn nhau mua ống nhựa tự kéo nước trên núi về, tự xây bể chứa nước. Một số gia đình chọn cách khoan giếng để lấy nước. Thế nhưng những nguồn nước này không qua xử lý, lắng lọc nên nước bị ô nhiễm. Nước từ giếng khoan thì màu ố vàng, có cặn vôi và mùi tanh. Vẫn biết nguồn nước không đảm bảo nhưng họ không còn lựa chọn nào khác, bởi nhu cầu nước cần thiết cho từng ngày.

Công trình cấp nước sạch thôn Nà Chè, gọi là công trình cấp nước sạch nhưng mới chỉ nhìn bên ngoài đã thấy nghịch lý, bởi khuôn viên công trình cỏ mọc, lá rác chất đầy và nhiều vật dụng để bừa bộn trên nóc bể… Kiểm tra nước trong bể thì càng thấy rõ không đảm bảo vệ sinh, bởi nguồn nước đục ngầu, váng bọt và sắp cạn khô. Hệ thống ống dẫn nước bằng kẽm cũng đã rỉ, bong tróc, có nơi đã đứt, gãy, phải dùng ống nhựa thay thế hoặc nối chằng chịt dây cao su. Không chỉ người dân thôn Nà Chè mà hầu như người dân ở xã Cường Lợi đang gặp vấn đề về nước sạch, họ đang phải đối mặt với tình trạng “khát” nước sạch, do hầu hết các công trình nước sạch đầu tư trên địa bàn xã không hoạt động như mong đợi.

Lời giải về nước sạch

Ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: Năm 2002, xã được xây dựng, bàn giao 2 công trình cấp nước tự chảy ở thôn Nà Chè, Nà Khưa cung cấp nước cho trên 140 hộ dân, với kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng và 1 giếng khoan tại trung tâm xã với kinh phí đầu tư 250 triệu đồng. Thế nhưng, thực tế các công trình này chỉ phát huy hiệu quả vài năm đầu mới đưa vào sử dụng, còn sau đó rơi vào tình trạng “ngấp ngoải”. Đến nay, các công trình ở Nà Chè, Nà Khưa cần nâng cấp, sửa chữa mới có thể hoạt động được ở mức cầm chừng.

Đề cập đến nguyên nhân của việc xuống cấp các công trình cấp nước, ông Nghĩa cho hay: Các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn xã được xây dựng đã lâu (từ năm 1999-2002), các bể có dung tích nhỏ 12-13m3, nhiều thiết bị công trình bị hỏng mặc dù đã được nâng cấp, sửa chữa. Mặt khác, một số công trình khi thi công, chủ dự án, nhà thầu thi công không phối hợp với chính quyền địa phương để xác định các vị trí của đường ống nên đã gây đứt vỡ. Khâu quản lý vận hành chưa hiệu quả do các thôn không giao cho tổ chức, cá nhân để quản lý, vận hành, khai thác sử dụng. Ý thức quản lý, bảo vệ của người dân ở các khu được đầu tư xây dựng công trình cấp nước còn kém, thậm chí còn tự ý phá hỏng dẫn đến tình trạng các công trình cấp nước hư hỏng và không phát huy hiệu quả…

Như vậy, vấn đề quản lý, vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn toàn thuộc về huyện, xã. Đây là một khâu quan trọng, quyết định hiệu quả của công trình, thế nhưng, thực tế nhiều năm qua, công tác này chưa được quan tâm, coi trọng. Các công trình tiền tỷ mà lại chỉ được giao cho vài ba người ở tổ quản lý nước sinh hoạt của xã, thu phí nâng cấp sửa chữa, trong khi điều kiện người dân còn khó khăn, số tiền phí nước thu được không đủ trả lương cho người quản lý vận hành và càng không thể “thấm” vào đâu so với kinh phí sửa chữa, nâng cấp công trình khi bị hỏng hóc…, đây là vấn đề quan trọng, cần sớm được giải quyết ở xã vùng cao này.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.