Đa dạng hóa các mô hình kinh tế
Hiện nay, ở các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đều đã xuất hiện những mô hình làm kinh tế giỏi. Bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tìm phương thức sản xuất mới. Từ đó dần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tại huyện Quan Sơn, nhiều năm qua, cây vầu được xem là “cây vàng xanh” của người dân địa phương khi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo. Với lợi thế lớn về khí hậu, đất đai, cây vầu dễ trồng và dễ chăm sóc.
Nhận thức được vai trò quan trọng của cây vầu, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân nhân rộng diện tích trồng vầu, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm từ vầu.
Thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, đến nay, huyện Quan Sơn có hơn 3.045 ha vầu, luồng được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC thuộc hai xã: Tam Lư, Tam Thanh. Với những lợi thế, tiềm năng vốn có, từ lâu, cây vầu đã chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện, vươn lên trở thành loại cây chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Là một trong những hộ gia đình có diện tích trồng vầu lớn nhất xã Tam Lư, ông Vi Văn Piên cho biết: Ông chăm sóc rừng vầu bằng sự tâm huyết. Đến nay, tổng diện tích trồng vầu của gia đình ông Piên là 5 ha, trong đó có hơn 3 ha vầu mới trồng, sinh trưởng, phát triển tốt và gần 2 ha vầu đang cho khai thác. Đối với diện tích vầu mới trồng, gia đình ông Piên chú trọng chăm sóc, bảo vệ, thường xuyên phát dọn thực bì, bón phân, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy rừng...
Đối với diện tích vầu đã cho khai thác, gia đình ông Piên thu được từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, với số lượng hơn 10 nghìn gốc vầu ươm, ông Piên thu được khoảng từ 140 - 150 triệu đồng/năm từ việc bán giống vầu cho bà con trong vùng. Nhờ đó, gia đình ông khấm khá, có cuộc sống kinh tế ổn định, có khả năng hỗ trợ giống và kỹ thuật cho các hộ dân khác tại địa phương.
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cũng là bước đi được huyện miền núi Thường Xuân hết sức quan tâm.
Xã Thọ Thanh có lợi thế về đất đai phì nhiêu, phù hợp để phát triển các mô hình nông nghiệp. Xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất mới, như: chăn nuôi gà thả đồi, nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả... Trong đó, mô hình sản xuất dưa vàng kim hoàng hậu theo hướng công nghệ cao đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân nơi đây.
Bà Hoàng Thị Lài, một trong những nông dân mang tư duy đổi mới đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình. Bà Lài cho biết: ban đầu, gia đình được Công ty CP Mía đường Lam Sơn hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm... Trên diện tích 2.000 mét vuông, gia đình đã xây dựng nhà màng để hạn chế được sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, gia đình đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isarel, là một trong những phương pháp tưới tiết kiệm nước và phân bón tối ưu nhất hiện nay". Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm có thể trồng 3 vụ, sản lượng bình quân đạt 4,5 - 5 tấn/vụ, thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.
Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước
Theo ông Lê Hoàng Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Thường Xuân, từ mô hình sản xuất dưa Kim hoàng hậu của xã Thọ Thanh, xu hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng nhà màng, nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đã được người dân trên địa bàn huyện ứng dụng rộng rãi. Đến nay, toàn huyện có khoảng 25 mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất rau, củ, quả an toàn cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2,5 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống.
Hiện nay, nhiều địa phương ở khu vực miền núi Thanh Hóa cũng đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Như ở huyện Mường Lát, địa phương đã xây dựng và hình thành được 43 mô hình, gồm 13 mô hình cây trồng, 17 mô hình vật nuôi, 1 mô hình phát triển dược liệu và 12 mô hình sản phẩm lợi thế. Nổi bật là trồng đào lai quy mô 17,3 ha; trồng mận hậu quy mô 1,6 ha.
Tại huyện Lang Chánh có 35 mô hình, trong đó có 17 mô hình cây trồng, 15 mô hình vật nuôi, 3 mô hình phát triển dược liệu. Nổi bật là mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu đắng, quy mô 46 ha, lợi nhuận 670 triệu đồng/năm; Mô hình trồng hoa thiên lý, quy mô 1 ha, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/năm; Mô hình trồng nghệ cho thu nhập bình quân 170 triệu đồng/năm.
Mặc dù đã có được những kết quả đáng phấn khoiwr5, song nhìn từ thực tế tiềm năng, việc xây dựng mô hình cây trồng, vật nuôi, sản phẩm lợi thế ở khu vực miền núi vẫn còn nhiều hạn chế do phần lớn các mô hình có quy mô nhỏ, phân tán, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị; nguyên nhân là do các chủ thể mô hình là các hộ nghèo, thiếu nguồn vốn và kiến thức sản xuất.
Ngoài ra, công tác chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là phục tráng, sản xuất giống cung cấp nguồn gen bản địa tại chỗ, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi..., chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các huyện miền núi trong tỉnh gắn với Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, Thanh Hóa xây dựng Đề án Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi của tỉnh.
Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, sẽ thực hiện xây dựng được 29 mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, làm mô hình điển hình để đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, nhân rộng. Các mô hình này sẽ giải quyết sinh kế cho khoảng 5.000 hộ gia đình khu vực miền núi.
Đồng thời, xây dựng mới 11 HTX trong các lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế và có từ 15 sản phẩm trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP, giá trị kinh tế tạo ra từ các mô hình đạt khoảng 900 tỷ đồng...