Không muốn tiếp tục tha hương
Vừa trở về từ Bình Dương, hoàn thành thời gian cách ly theo quy định, anh Hà Văn Thái (dân tộc Thái, 32 tuổi, ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), vui mừng khi Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Thái mắc kẹt ở Bình Dương, hơn 2 tháng không việc làm, chỉ quẩn quanh trong phòng trọ. Tiền hết, không biết bám víu vào đâu, anh đành đi xe máy vượt hơn ngàn cây số về quê. “Tôi dự tính sẽ làm hồ sơ xin việc làm tại tỉnh, vừa gần nhà, lại bảo đảm thu nhập. Hơn nữa tình dịch dịch bệnh tại tỉnh Thanh Hóa đang được kiểm soát chặt chẽ, nên tôi rất an tâm”, anh Thái nói.
Tương tự, chị Hà Thị Chi (dân tộc Thái, 24 tuổi, ở huyện Lang Chánh), cũng vừa trở về từ tỉnh Đồng Nai. Làm công việc phục vụ trong một nhà hàng trong 2 năm, gặp đợt dịch bùng phát, chị Chi mất việc làm nên đành trở về quê.
“Sau khi hết thời gian cách ly, tôi sẽ tìm việc làm mới. Giờ đây, ngành dịch vụ rất khó tìm việc, do đó có lẽ tôi sẽ đi làm công nhân cho một công ty nào đó ở tỉnh. Nghe nói, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương cũng đang rất lớn, có thể giải quyết nhu cầu việc làm và thu nhập trước mắt cho tôi”, chị Chi cho hay.
Không chỉ có anh Thái và chị Chi có mong muốn tìm việc làm và ổn định cuộc sống nơi quê nhà, mà qua khảo sát, tìm hiểu từ các địa phương, hầu hết lao động từ các tỉnh phía Nam khi trở về địa phương đều có mong muốn tìm việc làm tại quê nhà, hoặc ngay trong tỉnh.
Tạo việc làm cho lao động hồi hương
Theo số liệu từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số công nhân, lao động trở về từ các vùng dịch ở các tỉnh, thành trong cả nước có hơn 166.300 người. Để hỗ trợ nhóm người này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa hồi hương từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.
Theo đó, người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 33.300 lao động, chủ yếu là lao động nữ, chiếm 70%.
Nhu cầu cần lao động tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc cần tuyển dụng lao động, với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giày Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động); Công ty TNHH Giày ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động); Công ty TNHH MTV TCE JEAN (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giày SUNJADE (tuyển 1.500 lao động)… nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ đáp ứng khoảng 90%.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã và đang tư vấn, hỗ trợ cho người lao động tìm kiếm việc làm mới. Bằng nhiều hình thức: Tư vấn, kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên cơ sở việc làm, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và nguyện vọng của người lao động.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa cũng hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch được vay vốn để giải quyết việc làm, với mức 100 triệu đồng/người và không phải thế chấp tài sản, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Đối với người lao động thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay từ 100 triệu đồng trở lên, phải có phương án kinh doanh khả thi, có tài sản bảo đảm tiền vay. Theo thông tin của Ngân hàng, tính đến cuối tháng 9/2021, có khoảng 70 lao động trở về từ vùng dịch đăng ký vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Với những giải pháp thiết thực, cách làm linh hoạt của các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa, trong việc hỗ trợ công dân hồi hương có việc làm, ổn định cuộc sống tại quê nhà, không chỉ là chia sẻ khó khăn cho những địa phương vùng tâm dịch, còn thể hiện trách nhiệm với công dân là người địa phương, trách nhiệm ổn định xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch.