Để công tác hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, huyện Như Thanh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68).
Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã và loa phát thanh thôn, bản về đối tượng, điều kiện hưởng, mức hưởng, thời gian hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, trình tự, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền giải quyết và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 68 để mọi người dân hiểu, giám sát và đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ.
Ông Trương Văn Thái, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Như Thanh cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị liên quan phải ưu tiên công việc, triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch; không bỏ sót, trùng lắp đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Theo kết quả bước đầu, trên địa bàn huyện Như Thanh có 7 đơn vị hành chính sự nghiệp và 52 doanh nghiệp, với 4.204 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng 12 tháng là gần 915 tỷ đồng.
Đối với việc hỗ trợ các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch, huyện đã hỗ trợ cho 19 hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, mỗi hộ 3 triệu đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 57 triệu đồng.
“Đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, hiện trong quá trình hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ. Chúng tôi đang chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng đủ điều kiện”, ông Thái cho hay.
Hiện nay các xã, thị trấn đang tích cực triển khai hưỡng dẫn cho đối tượng lao động tự do bị mất thu nhập do đại dịch làm hồ sơ đề nghị, để được hỗ trợ theo quy định.
Bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 68, Huyện ủy Như Thanh cũng đề ra chủ trương hỗ trợ người dân bằng những hoạt động thiết thực, như huy động hàng nghìn cán bộ, viên chức, NLĐ, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện xuống các thôn, bản giúp người dân thu hoạch lúa, nhất là các thôn, xã đang phong tỏa, có người cách ly, điều trị vì Covid-19. Đồng thời, tặng quà hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch.
Tại huyện biên giới Mường Lát, địa phương vừa kết thúc đợt giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, do có ca mắc Covid-19. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện này thông tin, đợt dịch bùng phát lần thứ 4, đặc biệt từ đầu tháng 8 đến nay, đã khiến nhiều người dân trên địa bàn gặp khó khăn do việc buôn bán, giao thương hàng hóa đình trệ, nông sản không xuất bán được và ngược lại. Bên cạnh đó, những lao động tự do cũng mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống thêm phần khốn khó.
Đến thời điểm này, huyện đang phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn, triển khai rà soát các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định để tổng hợp, xét duyệt và chi trả tiền cho người dân.
Huyện biên giới Thường Xuân, từ đầu tháng 8/2021, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân 110 triệu đồng nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 0% cho Công ty CP Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa. Nguồn vốn này được giải ngân cho người SDLĐ để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất các tháng 5, 6 và 7/2021. Thời hạn vay 1 năm và không cần tài sản bảo đảm.
Ngoài các địa phương kể trên, hiện tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các huyện, xã phối hợp rà soát các nhóm đối tượng đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, nhằm sớm chi trả tiền để giúp NLĐ vượt qua khó khăn trong đại dịch.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)