Là một hộ nghèo trên địa bàn xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, vừa qua, gia đình ông Lò Văn Sin, bản Huổi Tao A, đã nhận 4,5 triệu đồng tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vì tuổi cao nên vợ chồng ông Sin trông cậy vào con trai là anh Lò Văn Thịnh đi làm thuê để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, anh Thịnh phải nghỉ làm, thu nhập không có, khiến chi tiêu trong nhà rơi vào cảnh “thắt lưng, buộc bụng”. Nay gia đình được nhận tiền từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, mọi người trong nhà, ai nấy đều rất phấn khởi, vui mừng. Ông Sin chia sẻ: Gia đình tôi chỉ trông vào khoản thu nhập do con trai đi làm thuê, nhưng trong thời gian dịch bệnh, giãn cách xã hội, cháu phải nghỉ làm. Vì vậy, cuộc sống gia đình đã túng thiếu lại càng thêm khó khăn hơn. Đến khi được nhận tiền hỗ trợ, tôi mừng lắm. Khoản tiền 4,5 triệu đồng này đã phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình trong thời gian dịch bệnh.
Tương tự như gia đình ông Sin, ông Đặng Xuân Quynh - một thương binh ở thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) cũng rất vui mừng khi được nhận hỗ trợ. Ông Quynh tâm sự: “Để có thêm thu nhập, gia đình tôi mở một cửa hàng tạp hóa. Nhưng những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh, buôn bán ế ẩm, thu nhập bấp bênh. Là một thương binh nên tôi đã được hỗ trợ 1,5 triệu đồng; dù không nhiều nhưng đó cũng là nguồn động viên với gia đình. Với khoản tiền này, tôi sẽ dùng để dành trang trải trong lúc khó khăn”.
Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện Điện Biên Đông được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo thông tin từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông, UBND tỉnh đã phê duyệt 39.738 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ở trên địa bàn huyện. Đến ngày 13/8, huyện đã tiến hành chi trả hỗ trợ cho 37.022 người, với tổng số tiền thực hiện gần 29 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông, cho biết: Để việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 được kịp thời, công khai, minh bạch, các địa phương đã tiến hành hành rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện hỗ trợ, niêm yết công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi trình UBND huyện. Sau khi hoàn thiện, UBND các xã, thị trấn lập danh sách trình UBND huyện thẩm định đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Hiện nay, các cấp, ngành và địa phương cũng đang tiến hành rà soát để việc chi trả đúng người, đúng đối tượng, tránh thiệt thòi cho nhân dân. Qua đó đã kiểm tra và đề nghị bổ sung thêm 444 đối tượng là vợ liệt sĩ tái giá; đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo do rà soát thiếu sót hoặc lập danh sách chưa ghi tổng nhân khẩu của hộ… để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Là địa phương có số lượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp hàng tháng đông, với gần 52.600 người, song thời gian qua huyện Tuần Giáo đã rất tích cực trong công tác hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Nhờ vậy, đến hết tháng 7, huyện Tuần Giáo đã cơ bản đã hoàn thành việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công với 81 người, đối tượng bảo trợ xã hội 2.985 người, hộ nghèo 34.632 người, hộ cận nghèo 14.864 người. Còn nhóm đối tượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện trợ cấp thất nghiệp, địa phương đã rà soát, lập danh sách để chuẩn bị hỗ trợ.
Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo, cho biết: “Khối lượng rà soát lớn, thời gian gấp; thông tin cá nhân của đối tượng không thống nhất (ngày, tháng, năm sinh, hộ khẩu chứng minh thư nhân dân) gây ảnh hưởng rất lớn trong việc kiểm tra đối chiếu xác định đối tượng; việc cung cấp thông tin không chính xác… gây khó khăn trong công tác lập, kiểm tra danh sách và xác minh thông tin hộ với hộ dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để việc chi trả bảo đảm tiến độ, huyện yêu cầu các xã, thị trấn rà soát chặt chẽ ngay từ cơ sở, niêm yết danh sách tại các khối, bản để người dân giám sát. Về cơ bản, huyện đã chi trả hỗ trợ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Hiện nay, còn các đối tượng hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn có ít nên chúng tôi cũng đã rà soát xong và sẽ sớm tiến hành hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho thân nhân người có công với cách mạng, chúng tôi cũng đang đề nghị cấp trên hỗ trợ cho 18 vợ liệt sĩ tái giá để tránh thiệt thòi cho người dân…”.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 300.000 người thuộc nhóm đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội. Qua rà soát, tổng hợp, sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 902 người có công với cách mạng; 13.914 đối tượng bảo trợ xã hội; 278.874 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 268 hộ kinh doanh, 1.083 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Đến đầu tháng 8, toàn tỉnh đã tiến hành hỗ trợ cho 293.721 người, với tổng số tiền trên 230 tỷ đồng…
Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, vì vậy khoản tiền hỗ trợ cho người dân có ý nghĩa hết sức thiết thực. Để đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ngành, đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát, công khai danh sách các đối tượng được hỗ trợ để việc hỗ trợ được công khai, minh bạch, khách quan, đúng đối tượng, đúng pháp luật.