Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS

Quỳnh Trâm - 19:02, 28/02/2021

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực đổi mới trong tất cả các cấp học, bậc học. Nhờ đó, giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực giáo dục ở Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng được nâng cao nhờ các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước.
Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng được nâng cao nhờ các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước.

Với hàng loạt đề án, chính sách được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhằm nâng cao và đổi mới chất lượng giáo dục như: Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đến năm 2030; sắp xếp mạng lưới các trường THPT công lập hiện có đến năm 2025; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến 2025…mà  5 năm qua, cơ sở vật chất giáo dục của tỉnh Thanh Hóa được tập trung đầu tư, giảm dần sự chênh lệch giữa giáo dục miền núi so với miền xuôi.

Theo đó, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của tỉnh Thanh Hóa đã đạt 87,7%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72,69%. Phần lớn các thôn, bản vùng cao, biên giới đã có lớp mầm non; các xã có trường tiểu học và THCS; các huyện đều có trường THPT...; Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đã có 333 trường miền núi đạt chuẩn quốc gia (chiếm 51%).

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo cũng được nâng cao về chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn. Toàn ngành có 11.540 lượt cán bộ được bồi dưỡng tiêu chuẩn nghề nghiệp, chức danh quản lý; 67.500 lượt cán bộ, giáo viên các cấp được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng phương pháp dạy học. Qua rà soát, hiện 99,98% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 76,96%.

Kết quả trên đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ở tất cả các cấp học, bậc học. Trong đó, dấu ấn lớn nhất, là thành tích về giáo dục mũi nhọn. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 353 HS đạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; gần 1.000 em đạt 27 điểm trở lên trong các kỳ thi THPT quốc gia; 12 em đạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Đây là thành tích ấn tượng nhất của Thanh Hóa trong lĩnh vực giáo dục từ trước đến nay.

Một lớp học vùng cao ở Thanh Hóa
Một lớp học vùng cao ở Thanh Hóa

Tại khu vực miền núi, chất lượng giáo dục cũng đang được cải thiện mạnh mẽ. Điển hình tại huyện Thạch Thành, với mạng lưới trường, lớp ổn định, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; cơ sở vật chất được tăng cường từ nhiều dự án và chương trình mục tiêu quốc gia, hàng năm tỷ lệ học sinh được lên lớp đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 98% trở lên; chất lượng giáo dục mũi nhọn nhiều năm dẫn đầu 11 huyện miền núi.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành cho biết: Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Thạch Thành giữ vững vị trí thứ nhất khu vực 11 huyện miền núi, đứng trong tốp 10 của tỉnh về chất lượng nói chung và chất lượng mũi nhọn nói riêng.

Trường THCS Phạm Văn Hinh (thị trấn Kim Tân), là một trong hai trường trung tâm chất lượng cao trên địa bàn huyện. Huyện đang thực hiện Đề án xây dựng Trường THCS Phạm Văn Hinh thành trường chất lượng cao bậc THCS của huyện, trên cơ sở mở rộng quy mô tuyển sinh học sinh mũi nhọn trong toàn huyện, tạo sự chuyển biến về số lượng và chất lượng học sinh các cấp.

Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 498 em học sinh, trong đó học sinh khối 6 có 120 em, chia thành 3 lớp Toán, Văn, Tiếng Anh. Đây là năm đầu tiên nhà trường thực hiện tuyển sinh học sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, làm cơ sở để huyện xây dựng Đề án mô hình trường chất lượng cao. Với việc tuyển sinh từ đầu cấp có chất lượng cao, sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng mô hình chất lượng cao, bảo đảm quy hoạch phát triển giáo dục Thạch Thành giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài Thạch Thành, ngành Giáo dục huyện Bá Thước cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm 2020, huyện Bá Thước đã đạt 23 giải, trong đó có 4 giải nhì, 6 giải ba, 13 giải khuyến khích. Các trường có học sinh đạt giải gồm THCS Thị trấn Cành Nàng (11 giải), Trường THCS Dân tộc nội trú huyện (2 giải), Trường THCS Ban Công (2 giải), THCS Bùi Xuân Chúc (2 giải), Trường THCS Thành Lâm (2 giải)...

Với những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, thông qua việc thực hiện tốt các chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa, đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi. Qua đó, từng bước góp phần đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực cho vùng khó.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.