Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thận trọng với gia cầm nhập lậu dịp cuối năm 2023

Trương Vui - 18:14, 07/10/2023

Vấn nạn nhập lậu gia cầm từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam diễn biến phức tạp và rộ lên trong thời gian gần đây, đang làm dấy lên lo ngại gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại mầm bệnh nguy hiểm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại cho ngành chăn nuôi và làm xáo trộn thị trường.

Đồn Biên phòng Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh bắt giữ tàu vận chuyển trái phép gia cầm (Ảnh: TL)
Đồn Biên phòng Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh bắt giữ tàu vận chuyển trái phép gia cầm (Ảnh: TL)

Gia cầm lậu “khuynh đảo” ngành chăn nuôi

Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong số 3,4-3,8 triệu con giống gia cầm nhập khẩu về hàng năm về Việt Nam, thì có đến 1,5-2 triệu con giống nhập lậu, chủ yếu là các giống gà lông màu thả vườn, vịt, ngan, ngỗng… Dự báo, từ nay đến Tết Giáp Thìn, dự báo tình hình buôn lậu gia cầm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đây là một trong những nguồn lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát được, dịch bệnh sẽ bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Nhiều cơ sở ấp nở con giống trong nước đối mặt với khó khăn khi giá con giống bán ra dưới giá thành sản xuất (Ảnh: TL)
Nhiều cơ sở ấp nở con giống trong nước đối mặt với khó khăn khi giá con giống bán ra dưới giá thành sản xuất (Ảnh: TL)

Cùng với đó, do con giống nhập lậu không được trải qua kiểm dịch, tiêm phòng vacxin, lại thêm việc đã nhiễm sẵn nhiều mầm bệnh, khiến tỷ lệ chết rất cao. Vì vậy, rất nhiều con giống nhập về nuôi sau 1-3 tháng thì mắc bệnh và chết, khiến nông dân thua lỗ nặng nề, làm giảm sức sản xuất.

Chưa kể, nhiều phụ phẩm chăn nuôi như: chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt là gà đẻ trứng loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng, được bán với giá quá rẻ, một số còn được núp bóng dưới danh nghĩa “giải cứu”, cũng gây mất ổn định thị trường, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, giá bán gà ta suốt cả năm 2022 và quý 1-2023 đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí tháng 2 và tháng 3-2023, giá bán thấp hơn từ 13.000 - 16.000 đồng/kg. Còn giá thành sản xuất gà công nghiệp khoảng 29.000 đồng/kg nhưng chỉ bán ra 23.000 - 24.000 đồng/kg.

Chính từ thực trạng đó, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm trong nước phải giảm đàn 50 - 60% vì không thể chịu nổi thua lỗ khi bán con giống gà, vịt dưới giá thành sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh cũng phải cắt giảm đàn 20 - 30%.

Nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn mà không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, thì hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, nhẹ hơn thì giảm quy mô sản xuất, phải tạm ngừng hoạt động...

Người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chính mình (Ảnh: TL)
Người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chính mình (Ảnh: TL)

Nguy hiểm hơn, việc các phụ phẩm chăn nuôi giá rẻ, gà đẻ trứng loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng nhập lậu vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam với khối lượng rất lớn, trong khi những thực phẩm đó vốn không bao giờ được sử dụng cho người dân tại các nước xuất khẩu, còn đưa đến cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Phòng, chống buôn lậu gia súc, gia cầm: Một “cuộc chiến” lâu dài

Xác định việc buôn bán trái phép sản phẩm gia cầm diễn biến phức tạp, ngày 18/5 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, yêu cầu các địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để ngăn chặn, kịp thời phát hiện các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép.

Trường hợp phát hiện phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu huỷ ngay; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra; tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn họp triển khai công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu
Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn họp triển khai công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chủ động, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm để xử lý, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển.

Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam; kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Bên cạnh việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa "giải cứu", để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chính mình.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.