Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thăm ngôi trường nơi "cổng trời" Tả Ngảo

Hà Minh Hưng - Công Minh - 04:48, 18/11/2023

Xã Tả Ngảo, huyện biên giới Sìn Hồ nằm phía Tây Bắc của Lai Châu. Để đến được đây phải vượt qua những cung đèo và dốc cao. Khi ấy, mặt người dựng ngược, cảm giác như có thể lấy tay vén mây chạm tới trời, người ta gọi dốc cao ấy là “cổng trời”. Và phía sau "cổng trời" ấy không chỉ có thung lũng, mây, cỏ, mà có những nếp nhà, có tiếng thầy cô giảng bài, có bước chân vui nhộn của trẻ đến trường mỗi sớm mai…

Mỗi khi có học sinh nghỉ học, các thầy cô giáo và học sinh lớp đến nhà tận thăm hỏi, vận động, động viên học sinh trở lại lớp học.
Mỗi khi có học sinh nghỉ học, các thầy cô giáo và học sinh đến nhà thăm hỏi, vận động, động viên học sinh trở lại lớp học.

“Cổng trời” - quê hương thứ hai

Xã Tả Ngảo cách thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu gần 100 km, một trong những xã khó khăn nhất của huyện biên giới Sìn Hồ. Để đến được nơi đây, chúng tôi phải vượt qua những dốc núi cao chót vót nhất trong những dãy núi của cao nguyên Sìn Hồ. Tả Ngảo với hơn 800 hộ, 2 dân tộc chính là Mông và Dao sinh sống. Toàn xã có 13 bản, phần lớn các bản không có đường xe máy, phải quốc bộ theo đường mòn nhỏ thó (dân bản gọi là đường chó chạy).

Mỗi khi có dịp quây quần, người già ở đây vẫn kể cho con cháu mình về Tả Ngảo của hơn 10 năm về trước. Thời ấy, tỷ lệ hộ nghèo vùng này chiếm hơn 50%, một năm 12 tháng thì có đến quá nửa năm thiếu gạo. “Cái khó bó cái khôn”, khi con người ta cái bụng mà chưa ấm thì còn nghĩ được việc gì nữa. Thế nên ngày đó, chuyện đi học không được bà con mặn mà lắm.

Già bản người Mông, Giàng Chứ Sinh, bản Lùng Sử Thàng năm nay ở tuổi “thất thập”, ông là người hiểu biết nên được bà con trọng vọng xưng là “bố”. “Bố Sinh” kể: “Ngày trước, người Tả Ngảo chỉ nghĩ đơn giản, đàn ông phải biết rèn con dao, cái cuốc, biết đi săn con thú. Đàn bà phải biết đi nương, làm ra nhiều lúa, ngô, nuôi được nhiều trâu. Học chữ, chuyện đó từ trước đến nay không quan trọng bằng chuyện được no cái bụng …”.

Vườn rau xanh cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú.
Vườn rau xanh cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú.

Thầy Đoàn Trọng Tuyển, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú trung học sơ sở (PTDTBT THCS) Tả Ngảo đón chúng tôi bằng nụ cười hiền khô. Qua câu chuyện được biết, thầy Tuyển đã có gần 20 năm gắn bó với giáo dục Sìn Hồ. Nhìn từng lớp học trò mỗi năm tốt nghiệp ra trường, anh lại nhớ cách đây gần 20 năm, từ một chàng trai quê lúa Thái Bình tình nguyện lên Lai Châu công tác. Tuổi trẻ của anh là những tháng ngày “3 cùng” với đồng bào Thái, Lự, Mông, Dao trên khắp dải đất Sìn Hồ, nay thì Sìn Hồ đã thành quê hương thứ hai từ lâu rồi.

Cũng như thầy Tuyển, cô giáo Phan Thị Hà, chủ nhiệm lớp 9A và các thầy cô dạy học ở đây đều dành cả thanh xuân vào con chữ cho con em Tả Ngảo. Mỗi năm cô về quê 2 lần là tết và hè. Bây giờ, cô đã cất một ngôi nhà nhỏ trên cao nguyên Sìn Hồ. Hạnh phúc của cô và đồng nghiệp là những dịp lễ tết, các trò về thăm trường, chúc tết thầy cô báo cáo kết quả, học tập, công tác

Rồi các thầy cô dẫn chúng tôi lên thăm trường, đó là một ngôi trường 2 tầng khang trang kiên cố và những dãy nhà cấp 4 nội trú cho học sinh. Trường nằm bên sườn núi, nhìn xuống qua những những phiến đá tai mèo lởm chởm hiện ra những bản làng…

Giờ ra chơi của học sinh Trường PTDTBT THCS Tả Ngảo, Sìn Hồ, Lai Châu.
Giờ ra chơi của học sinh Trường PTDTBT THCS Tả Ngảo, Sìn Hồ, Lai Châu.

“Quả ngọt” trên đất cằn

Mùa A Sung là sinh viên năm 3 - Trường Sĩ quan Lục quân 1 vẫn nhớ như in thời đi học. Ngày ấy, học sinh ở bản ra trung tâm học gần như phải tự túc hoàn toàn trong việc ăn ở, sinh hoạt, những bạn ở xa về học thì góp gạo nấu cơm chung. Ngày đó, phòng ở thiếu thốn, nhiều học sinh phải đi ở nhờ nhà dân. Nhớ đận hết gạo, xin thầy về nhà rồi “mất hút” luôn. Không thấy trò về học, các thầy xuống tận nhà, lên tận nương, mới hay ở nhà cũng chẳng còn gạo ăn. Nhìn cảnh học trò lem luốc theo mẹ lên rừng đào củ mài, củ sắn. Khi ấy, thầy chỉ biết ôm trò mà khóc. Con đường học Sung tưởng chừng như khép lại bởi hoàn cảnh gia đình, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô em đã vượt qua.

Cùng với tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, ngày cuối tuần, các thầy cô lại về bản hướng dẫn ôn bài và bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em. Những việc làm này cứ đều đặn, tình cảm giữa bà con và thầy cô giao ngày thêm sâu nặng. Như giọt nước thấm mỗi ngày vào đất, khiến nhận thức của người dân từng bước thay đổi, người Tả Ngảo bắt đầu chăm lo hơn đến việc học tập của con em mình.

Con đường đến của học sinh vùng cao Sìn Hồ phần lớn đã cứng hóa, nhưng với Tả Ngảo vẫn rất khó khăn, cách trở.
Con đường đến của học sinh vùng cao Sìn Hồ phần lớn đã cứng hóa, nhưng với Tả Ngảo vẫn rất khó khăn, cách trở.

Năm học 2011 - 2012, Tả Ngảo được công nhận trường Bán trú. Theo quyết định, mỗi tháng học sinh bán trú được hỗ 40% mức lương cơ bản cơ sở, ngoài ra các em được Chính phủ hỗ trợ15 kg gạo/tháng. Với nguồn hỗ trợ đặc biệt này đã tiếp sức và giúp các em yên tâm học. Cùng với đó, hàng năm nhà trường kết nối nhiều địa chỉ, các tổ chức, cá nhân trong việc sẻ chia cùng học sinh vùng khó. Những suất học bổng và quà là những hiện vật thiết thực như chăn, áo ấm, dày dép cho học sinh bán trú của học sinh Trường Chuyên Lê Quý Đôn Lai Châu, Hội Luật Việt Nam…

Năm học 2023 - 2024, Trường Tả Ngảo có 541 học sinh. Trong đó học sinh bán trú là 406 em. Được sự đầu tư của Nhà nước, cùng với công tác xã hội hóa giáo dục. Đến nay, nhà trường có dãy nhà 2 tầng khang trang kiên cố với 12 phòng học. Riêng phòng ở nội trú cho học là 21 phòng, những vẫn còn 4 phòng ở tạm thưng bằng gỗ. Nhìn các em học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn, để chăm lo cho bữa ăn, việc học mỗi ngày với các thầy cô giáo nơi đây là việc hàng đầu. Ngoài giáo dục kỹ năng sống, các thầy cô cùng học sinh cải tạo đất làm vườn bán rau gây quỹ và cải thiện thêm khẩu phần ăn.

Trường lớp ngày càng kiên cố, khang trang, góp phần thu hút học sinh đến trường học chữ.
Trường lớp ngày càng kiên cố, khang trang, góp phần thu hút học sinh đến trường học chữ.

Sự học của Tả Ngảo ngày càng được khẳng định, với tỷ lệ chuyển cấp, chuyển lớp hàng năm đạt trên 99%, nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, và đậu vào các trường Cao đẳng, Đại học. Tiêu biểu như 2 học sinh lớp 9A, Lầu Thị Bình và Sình A Danh là học sinh giỏi toàn diện; mới đây, Bình và Danh đều đạt giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử…

Chia tay các thầy cô, những người gieo chữ nơi cổng trời Tả Ngảo, chúng tôi không thể quên nụ cười của “bố bản” Giàng Chứ Sinh và câu nói chắc nịch: “Chuyện người Tả Ngảo thờ ơ với con chữ xưa rồi, nay bà con mình hiếu học lắm. Có được điều đó là công lớn của các thầy cô miền xuối không quản ngại lên đây dạy học cho con em bản mình biết cái chữ, biết giữ gìn bảo tồn văn hóa…”

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.