Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thăm "Bảo tàng” của K’Tâm

Văn Yên-Lê Thuận - 16:26, 06/06/2022

Nhận thấy nhiều hiện vật trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên đang dần bị mai một, hơn 40 năm qua, Thượng tá Đặng Minh Tâm (64 tuổi, nguyên cán bộ công an tỉnh Lâm Đồng), đã không quản ngại bỏ ra công sức, tiền bạc miệt mài sưu tầm, lưu giữ nhiều hiện vật gắn với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Ông Đặng Minh Tâm (bên trái) giới thiệu khách tham quan về gốc tích các hiện vật
Ông Đặng Minh Tâm (bên trái) giới thiệu khách tham quan về gốc tích các hiện vật

Từ tình yêu văn hóa

Là lính Tiểu đoàn 1 - Tiểu đoàn tăng cường thuộc Bộ Công an lên Tây Nguyên năm 1978, ông Đặng Minh Tâm có thời gian làm việc và sinh hoạt cùng đồng bào DTTS tại các tỉnh Tây Nguyên. Ông ấn tượng bởi cuộc sống bà con nơi đây giản dị, chân chất thật thà cùng với những nét văn hóa đặc sắc.

Ông Tâm trải lòng, để bà con tin yêu, thì mình phải nói đi đôi với làm, cũng như hiểu được phong tục tập quán, nói được ngôn ngữ của họ, thì mới dễ dàng tiếp cận, hiểu được nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Trải qua những tháng năm  làm việc, sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS; cùng đồng đội bảo vệ cuộc sống bình yên cho đồng bào, nhiều ngôn ngữ của người Cơ ho, Ba Na, Jrai, Churu... đã được ông sử dụng thành thạo.

Một góc trong “bảo tàng” hiện vật tại nhà ông Tâm
Một góc trong “bảo tàng” hiện vật tại nhà ông Tâm

Chính vị vậy, đồng bào Cơ ho ở Lâm Đồng rất tin tưởng, mặc nhiên xem người cán bộ công an này là người của dân tộc mình, yêu quý đặt cho ông cái tên trìu mến K'Tâm

“Mỗi lần chuyển sang địa bàn khác công tác, trước lúc chia tay, bà con tặng tôi nhiều nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt gắn bó với đời sống của họ. Xuất phát từ tình cảm đó, tôi bắt đầu cảm nhận được cái đẹp, cái giá trị, ý nghĩa của mỗi hiện vật gắn với đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào, nên tôi đã  tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những hiện vật và cất giữ cẩn thận”, ông Tâm kể.

Bộ đàn đá và những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào ở Tây Nguyên
Bộ đàn đá và những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào ở Tây Nguyên

Theo chia sẻ của  ông,  sau cuộc chiến truy quyét Fulro, ông về công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng, thời gian rảnh ông trở lại buôn làng, tìm gặp những người quen đã gắn bó với ông từ thời chiến. Biết được tâm ý, sở thích của ông, nhiều đồng chí, đồng đội năm xưa đã hướng dẫn, giúp đỡ ông sưu tầm thêm những món đồ, nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Trong quá trình sưu tầm, tìm hiểu, ông Tâm thường khuyên bà con nên giữ lại các hiện vật truyền thống của dân tộc. Đối với những gia đình do hoàn cảnh khó khăn, buộc phải bán các hiện vật như ché, cồng chiêng... thì ông mua lại và lưu giữ từng món một.

Đến bộ sưu tập hơn 30.000 hiện vật

Sau hơn 40 năm, rong ruổi khắp các buôn làng ở các tỉnh Tây Nguyên, giờ đây ông Đặng Minh Tâm sở hữu bộ sưu tập hiện vật khá đồ sộ về đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc với hơn 30.000 hiện vật. Ông dành một phần lớn diện tích căn nhà trên đường Lương Thế Vinh, phường 3, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) để làm nơi lưu giữ. 

Chỉ tay về phía chiếc ché cổ được xếp vị trí trên cao, bên cạnh ché là những chiếc chum của người Chăm cổ, ông Tâm cho biết, đó là chiếc ché thế mạng của người Ba Na được chế tác từ thế kỷ 13. Lúc bấy giờ, giá trị chiếc ché tương đương khoảng 15 con trâu. Chiếc ché này quý hiếm đến mức, nếu chẳng may  xảy ra sự cố gây chết người, muốn dung hòa và không bị đền mạng, thì chỉ cần đem chiếc ché này đền cho gia đình, hoặc cộng đồng nơi có người bị chết, là mọi chuyện đương nhiên được hóa giải.  

Đồ trang sức của nhiều dân tộc có trong bộ sưu tập
Đồ trang sức của nhiều dân tộc có trong bộ sưu tập

Ông Tâm còn giới thiệu với chúng tôi bộ sưu tầm về đồ trang sức của nhiều DTTS ở Tây Nguyên. Ngoài những chiếc nhẫn, vòng bằng kim loại quý, ngà voi, răng nanh động vật, đá quý…; trong hiện vật sưu tầm của ông Tâm còn có cả bộ đúc nhẫn nguyên vẹn của người Churu.

“Để có được những hiện vật này, tôi phải đi xa hàng trăm km, đến các bản làng sưu tầm và mua lại. Có những thứ không đáng giá, nhưng đó là những kỷ niệm trong những năm tháng sống cùng đồng bào các dân tộc”, ông Đặng Minh Tâm nói.

Ông Tâm sử dụng được rất nhiều nhạc cụ của người đồng bào DTTS
Ông Tâm sử dụng được rất nhiều nhạc cụ của người đồng bào DTTS

Trong “kho tàng” của ông, đa số các hiện vật vẫn còn nguyên vẹn, cũng có một vài món bị sứt mẻ nhưng ông vẫn quý trọng, bảo quản kỹ lưỡng.

Được biết, nhiều hiện vật của ông Đặng Minh Tâm đang sở hữu có giá trị cao, nhiều du khách đến tham quan ngỏ ý muốn mua và trả giá rất cao nhưng ông nhất quyết không bán. Việc ông sưu tầm các hiện vật này để thỏa lòng đam mê văn hóa và cũng muốn bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Hiện nay, “bảo tàng” lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, tại gia đình ông Tâm còn là nơi tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu đời sống văn hóa vật chất, tinh thần, phong tục tập quán của các dân tộc ở Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.