Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thái Nguyên: Nâng cao vai trò hợp tác xã

Phúc Khánh - 15:32, 12/10/2023

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Những mô hình kinh tế này đã thể hiện vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Nguyễn Văn Trọng, thành viên HTX Gà đồi Đông Thịnh bổ sung các chất điện giải vào nước uống cho gà. Ảnh: Quang Linh
Anh Nguyễn Văn Trọng, thành viên HTX Gà đồi Đông Thịnh bổ sung các chất điện giải vào nước uống cho gà. Ảnh: Quang Linh

Là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương, HTX chế biến nông sản Võ Nhai (ở xóm Na Rang, xã Vũ Chấn) hiện đang tạo việc làm cho gần 40 thành viên và người lao động, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, tất cả người lao động của HTX đều là người dân tộc Tày, Dao ở địa phương.

Bà Ma Thị Vân, người lao động tại HTX, chia sẻ: Tôi đã hơn 60 tuổi, lại không có bằng cấp gì nên khi có việc làm và thu nhập ổn định, lại làm việc gần nhà, tôi rất phấn khởi. Công việc ở HTX cũng tương đối nhẹ nhàng, không độc hại, phần đa công đoạn đều đã có máy móc hỗ trợ.

Anh Ma Văn Trình, Phó Giám đốc HTX chế biến nông sản Võ Nhai, cho biết: Xuất phát từ thực tế người dân thu hoạch măng nứa vất vả nhưng bị tư thương ép giá, HTX được thành lập nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản tại địa phương. HTX hiện liên kết với 5 tổ hợp tác trong vùng để bao tiêu sản phẩm măng, mộc nhĩ cho trên 200 hộ dân ở các xã Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc. Sản phẩm chế biến sâu của HTX là măng nứa, mộc nhĩ khô đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh vào năm 2022.

Tại Phú Bình, HTX Gà đồi Đông Thịnh (xã Tân Khánh) là một hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm cũng là một điểm sáng trong phát triển kinh tế hợp tác xã. Được thành lập năm 2014 với khuôn viên vườn đồi, chuồng trại chăn nuôi gà rộng trên 10ha, nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, HTX nhanh chóng xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đông Thịnh”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX gà đồi Đông Thịnh cho biết: “Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh về vốn, hỗ trợ tập huấn, chúng tôi dần mở rộng và phát triển HTX. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với HTX thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học”. Mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học với quy mô 30.000 - 40.000 con gà ri bản địa, tỷ lệ sống đến khi xuất chuồng đạt 95,6%, trọng lượng xuất chuồng ở 15 tuần tuổi bình quân đạt gần 2kg/con. HTX đã liên kết với doanh nghiệp tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm của đơn vị.

HTX chế biến nông sản Võ Nhai hiện đang tạo việc làm cho gần 40 thành viên và người lao động
HTX chế biến nông sản Võ Nhai hiện đang tạo việc làm cho gần 40 thành viên và người lao động

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chính sách thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số HTX hoạt động hiệu quả về kinh tế xã hội không ngừng tăng lên, đời sống của thành viên, người lao động không ngừng được cải thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 700 hợp tác xã, trong đó số hợp tác xã tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi thành lập mới, liên tục tăng trong những năm qua, đã khẳng định được hướng đi của mình và từng bước lớn mạnh. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và trở thành mô hình HTX điển hình tiên tiến toàn quốc và của tỉnh, như HTX chè Tân Hương, HTX chè Hảo Đạt, HTX Vận tải ô tô Tân Phú, HTX Vận tải Chùa Hang (Thành phố Thái Nguyên), HTX chè La Bằng, HTX rau an toàn Hùng Sơn (huyện Đại Từ), HTX Miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ), HTX chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm (huyện Phú Bình), Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh (thị xã Phổ Yên)…

Các hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc miền núi luôn phát huy vai trò hỗ trợ người dân, là cầu nối tập hợp người sản xuất tham gia vào hợp tác xã. Thông qua hoạt động của mô hình hợp tác xã đã góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của từng vùng miền, địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, tổ chức chương trình hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền, vận động thành lập mới hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc miền núi. "Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp xây dựng đề xuất với các địa phương thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển kinh tế HTX vùng miền núi. Tập hợp ý kiến của đồng bào để đề xuất cho việc phát triển mô hình kinh tế HTX cho từng vùng đồng bào dân tộc miền núi". 

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận