Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể các cơ quan Trung ương; đại biểu lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt nam Anh hùng…
Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trình bày khẳng định: Trải qua các thời kỳ đấu tranh, phát triển, Thái Nguyên luôn phát huy vai trò là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ; là phên dậu vững chắc bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Trong công cuộc đổi mới, quy mô kinh tế Thái Nguyên không ngừng mở rộng; Thái Nguyên luôn nỗ lực phát huy vị trí, thế mạnh của tỉnh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo của vùng và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của nước.
Hiện nay giá trị xuất khẩu Thái Nguyên đứng thứ tư cả nước; thu ngân sách đứng trong tốp 20 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 11%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 xếp thứ 11/63, chuyển đổi số đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, trong đó chính quyền số đứng thứ ba toàn quốc... Nhờ đó đã thu hút được 161 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 8,6 tỷ USD, gần 8.000 doanh nghiệp trong nước; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; GDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người/năm năm 2015 lên gần 90 triệu năm 2020 và mục tiêu đến năm 2025 là 150 triệu, tốc độ tăng trưởng GRDP 8%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, từ 11,21% năm 2016 xuống còn 2,82% năm 2020...
Nhiệm vụ tỉnh Thái Nguyên đặt ra trong thời gian tới cũng được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, trong thời gian tới Thái Nguyên sẽ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh; xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động với đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn giàu đạo đức, đặc biệt là đạo đức công vụ; đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn gắn với phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và đô thị hiện đại; tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư; tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đặc biệt quan tâm tới vị thế vai trò của Thái Nguyên là động lực, là cực tăng trưởng trong liên kết vùng và với các tỉnh lân cận. Cùng với đó, tập trung các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”. trao tặng tỉnh Thái Nguyên phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong suốt thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cho tỉnh Thái Nguyên.
Một là, trước hết cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Hai là, tập trung phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường xã hội hóa, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm liên kết vùng, tạo động lực phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục đào tạo, du lịch, logistic; đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, có chiến lược đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số từ xuất nhập khẩu hàng hóa đến thanh toán điện tử và thủ tục hành chính cho người dân thuận lợi nhất.
Ba là, chú trọng quan tâm các vấn đề về văn hóa, xã hội, coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chăm lo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, và chính sách bình đẳng giới. Chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và nâng cao toàn diện đời sống của nhân dân. Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng văn hóa, con người Thái Nguyên phát triển toàn diện. Tăng cường quảng bá hình ảnh, những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Năm là, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII. …
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và Cờ thi đua của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.