Diễn văn khai mạc buổi lễ, ông Đặng Xuân Phong, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai nêu rõ: Cách đây tròn 30 năm, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức được tái lập. Thời điểm này, Lào Cai có 09 huyện, thị xã với 180 xã, phường, thị trấn.
Sau khi tái lập, tỉnh Lào Cai đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức: Thị xã tỉnh lỵ, các thị trấn huyện lỵ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã, huyện biên giới đều bị tàn phá; nhiều khu vực còn tồn dư bom mìn do chiến tranh để lại chưa thể xây dựng hoặc sản xuất. Do điều kiện về địa lý phức tạp nên các huyện thuộc tỉnh Lào Cai mới đều thuộc diện kém phát triển; 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã đặc biệt khó khăn (chiếm 76,6%); phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh có độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp.
Hạ tầng giao thông rất khó khăn, 1/3 số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, từ trung tâm xã đến các thôn, bản hầu hết là đường mòn; từ tỉnh đến các huyện mặc dù đi được ô tô nhưng chất lượng đường rất xấu. Kinh tế vẫn mang nặng tính tự túc, tự cấp. Tình trạng du canh, du cư diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các huyện trong tỉnh; thiếu đói diễn ra thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo và rất nghèo trên 55%, vùng cao trên 90%. Trình độ dân trí, văn hóa thấp, có tới 52% dân số các xã vùng cao mù chữ, nhiều người chưa nói được tiếng phổ thông; còn có 14 xã trắng về giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ đến trường chỉ đạt khoảng 40%.
Dù khó khăn bộn bề, song tỉnh Lào Cai đã sớm xác định lộ trình, bước đi phù hợp, với những quyết sách táo bạo và đầy sáng tạo trong suốt 7 nhiệm kỳ (từ nhiệm kỳ X đến nhiệm kỳ XVI) của 30 năm qua. Mỗi một giai đoạn, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã nhận thức rõ và đưa ra những chủ trương, quyết sách cụ thể, mang tầm chiến lược.
Trên cơ sở xác định đúng đắn chiến lược phát triển, lộ trình và bước đi phù hợp, cùng với sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tỉnh Lào Cai đã đạt được thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Cụ thể, từ một trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, Lào Cai đã vươn lên thành tỉnh phát triển đứng trong tốp đầu của vùng Tây Bắc và Trung du miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 1991 - 2020 đạt 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô nền kinh tế tăng nhanh; GRDP bình quân đầu người gấp hơn 100 lần; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gấp hơn 250 lần.
Ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, từ chỗ Nhân dân trong tỉnh chủ yếu ăn ngô (mèn mén) thay cơm, chỉ có khoảng 1/3 đồng bào được ăn gạo vào năm 1991, đến nay đã bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh và một phần cung cấp ra ngoài tỉnh, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng gấp gần 4 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 55% năm 1991 còn 8,2% năm 2020; đời sống của Nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt; đến nay cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Với những kết quả và thành tựu sau 30 năm tái lập, tỉnh Lào Cai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, tại buổi Lễ kỷ niệm, tỉnh Lào Cai được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất, đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây cũng là động lực, niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh hướng tới đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.