Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Đồng Hỷ có khoảng 730 hộ đồng bào Mông, với khoảng trên 3.500 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại 9 xóm trên địa bàn các xã: Văn Lăng, Tân Long và Quang Sơn. Nhìn chung, các xóm, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có nhiều đồng bào Mông trên địa bàn đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay, cơ bản đường từ xã đến các xóm, đường liên xóm đã được cứng hóa; trên 78% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 88% có nhà bán kiên cố, kiên cố; tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường đạt 100%; 8/9 xóm đã có nhà văn hóa; xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn đã ra khỏi ĐBKK...
So với bình quân chung của huyện Đồng Hỷ, đời sống người Mông tại các xã, bản ĐBKK còn ở mức thấp. Đến đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn cao (trên 88%)…
Tại Hội nghị giám sát, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, giám sát sau hỗ trợ, đầu tư; hiệu quả các chính sách dân tộc được thực hiện trên địa bàn, nhất là đối với các chính sách hỗ trợ mà kết quả đạt thấp, như: Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đất sản xuất… Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị giám sát, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và làm căn cứ định hướng, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.