Năm 2023, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tỉnh Thái Nguyên đạt 1.263 tỷ đồng, với 25.400 lượt khách hàng vay vốn. Qua đó đã giúp trên 6.500 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn; 6.600 lao động có việc làm ổn định; xây dựng trên 19.490 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 1.624 lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh; xây dựng 118 nhà ở xã hội...
Tổng dư nợ cho vay các chương trình của Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 4.643 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2022 (đạt 99,7% kế hoạch được giao). Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 111.000 lượt khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,039%.
Theo đánh giá, năm 2023, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt quy chế hoạt động, bám sát chương trình, kế hoạch công tác; tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ từ 8% trở lên; giữ tỷ lệ nợ quá hạn ở dưới mức 0,05%...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến đề nghị các thành viên Ban Đại diện cần tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với hoạt động tín dụng chính sách; thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay, trong đó quan tâm đến cho vay dành cho người chấp hành xong án phạt tù, cho vay nhà ở xã hội; tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tiêu cực phát sinh, nhất là tình trạng vay ké, chiếm dụng vốn...