Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Cam Phúc - 06:13, 15/12/2023

Huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) là địa phương có nhiều xã vùng sâu, vùng xa và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Do vậy, huyện luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Theo đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, năm 2023, Đồng Hỷ đã giảm tỷ lệ hộ nghèo, đạt 3,48%, vượt kế hoạch đề ra.

Mô hình trồng na dai giúp bà con dân tộc ở huyện Đồng Hỷ thoát nghèo.
Mô hình trồng na dai giúp bà con dân tộc ở huyện Đồng Hỷ thoát nghèo.

Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, ngay từ đầu năm 2023, huyện Đồng Hỷ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Chương trình đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện từ 2% trở lên; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 3 mô hình, dự án giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…

Đến nay, Đồng Hỷ giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 3,48%, vượt kế hoạch đề ra. Đồng Hỷ đã triển khai hỗ trợ giống lúa, ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt cho các hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời triển khai nhiều mô hình như: trồng cây đào lấy quả ở bản người Mông Lân Quan, xã Tân Long; trồng na ở bản người Mông Trung Sơn, xã Quang Sơn; hỗ trợ bò giống… Nhờ đó người dân ở các địa bàn vùng khó đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Dương Văn Sình, xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, cho hay: Trước đây, bà con người Mông trong xóm chỉ trồng ngô, thu nhập thấp, đời sống khó khăn lắm. Mấy năm nay, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, nhà nào cũng trồng na. Cả xóm hiện có đến 40 ha na. Có gia đình thu hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng na nên đời sống khá lên nhiều rồi…

Để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, huyện Đồng Hỷ còn tạo điều kiện để bà con tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Gia đình bà Trần Thị Hải, xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo là hộ nghèo lâu năm tại địa phương. Bản thân bà Hải là người khuyết tật vận động. Năm 2021, từ nguồn vốn vay 80 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ, bà Hải đã đầu tư phát triển chăn nuôi kinh tế hộ gia đình. Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình bà Hải thu về được trên 30 triệu đồng.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo bền vững thông qua các Hội thi
Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo bền vững thông qua các Hội thi

Riêng trong năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ đã giải ngân cho hộ nghèo vay trên 23 tỷ đồng với gần 380 khách hàng, nâng tổng dư nợ lên trên 96 tỷ đồng; cho hộ cận nghèo vay gần 17 tỷ đồng với trên 230 khách hàng, nâng tổng dư nợ lũy kế đạt gần 90 tỷ đồng; cho hộ thoát nghèo vay là gần 17 tỷ đồng với 233 khách hàng. 

Bà Đoàn Lệ Thuỷ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ cho biết: Thông qua giám sát chất lượng nguồn vốn, chúng tôi thấy rằng người dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, cách thức làm ăn, từ đó nguồn vốn được sử dụng rất hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí có của ăn của để.

Chia sẻ về kết quả giảm nghèo đa chiều của huyện Đồng Hỷ, Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ cho biết: Chúng tôi xác định quan điểm thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, hỗ trợ có điều kiện và tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo Trên cơ sở đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với địa bàn khó khăn; có chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn có tỷ lệ nghèo đa chiều cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023. Đặc biệt, điều chúng tôi rất quan tâm đó là nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giảm nghèo và giám sát thực hiện Chương trình với quyết tâm đồng hành đến cùng, không để hộ nào bị bỏ lại phía sau và không để hộ nào tái nghèo.

Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên trong đồng bào; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách cũng như nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng trong công tác giảm nghèo. 

Tin cùng chuyên mục
Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Để triển khai có hiệu quả nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); thời gian qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Trong đó, có nội dung cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho người dân.