Cục Bảo tồn Động thực vật và Công viên Quốc gia Thái Lan cho biết, lệnh cấm này là cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái. Người vi phạm có thể bị phạt tới 100.000 baht (3.000 đô la Mỹ) nếu bị bắt khi đi vào công viên với đồ nhựa dùng một lần hoặc các hộp xốp. Lệnh cấm bao gồm: “Cấm mang theo túi nhựa có độ dày nhỏ hơn 36 micron, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa, cốc, ống hút và dao kéo”.
Tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan cho biết, rác thải nhựa là mối đe dọa đối với động vật hoang dã của nước này, bao gồm cả quần thể voi. Việc tiêu hoá nhựa có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa thậm chí là tắc ruột.
Những con voi ở Vườn Quốc gia Khao Yai (cách thủ đô Bangkok 3 giờ lái xe về phía đông bắc) được cho là đã ăn bao bì và túi ni lông khi chúng được tìm thấy trong phân của những con voi này.
Bên cạnh đó, ô nhiễm nhựa trên đất liền cũng có thể cuốn vào các đường nước và đe dọa hệ sinh thái và sinh vật biển.
Theo nhóm vận động vì môi trường Ocean Conservancy, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam là những quốc gia góp phần “cùng sản xuất” một nửa lượng rác thải nhựa trên các đại dương trên thế giới.
Được biết, Thái Lan đã cấm bán túi nhựa dùng một lần tại các siêu thị và cửa hàng bách hóa từ năm 2020. Tuy nhiên, chúng vẫn được các cửa hàng đồ ăn đường phố, quán cà phê, chợ và các nhà bán lẻ nhỏ hơn sử dụng.
Thái Lan cần phải triệt để hơn trong việc ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa, hướng đến việc 100% đồ nhựa có thể tái chế vào năm 2027.