Gần đây, một số xã ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đặt biển cấm tại trụ sở UBND xã , trong đó có những nội dung như “khu vực cấm xâm phạm;... cấm quay phim, ghi âm, chụp ảnh…”, khiến nhiều người ngạc nhiên. Sau khi báo chí phản ánh, một số địa phương đã gỡ bỏ các biển trái pháp luật này, nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện.
Dưới góc độ pháp luật, về nguyên tắc chung người dân được làm những gì luật không cấm, còn cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Về vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh quốc gia, pháp luật đã quy định rõ tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước 2000, Nghị định số 233/2002… Theo đó, việc cấm ghi âm, ghi hình không được làm một cách tùy tiện mà cần tuân theo quy định ngặt nghèo. Điều này không thể phụ thuộc vào ý chí, ý muốn của người đứng đầu cấp xã.
Xét ở góc độ xã hội, ghi âm, ghi hình là hữu ích, nhất là trong việc phòng, chống tội phạm, bảo đảm cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay. Việc này cũng góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ, giúp cho người dân giám sát cán bộ công quyền.
Ngay trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an cũng đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bổ sung quy định để người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Công an nhân dân. Cho phép người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình… Lẽ nào cán bộ dưới cơ sở xã phường lại ngăn cấm việc này?
Chuyện xung quanh việc đặt những biển cấm ở trụ sở UBND xã như đã nêu lại được một số cán bộ cho rằng “làm theo xã khác”. Lẽ nào khi thấy, UBND huyện có biển cấm thì UBND xã cũng phải có nội dung y vậy? Lẽ nào xã người ta có biển cấm thì xã mình cũng phải có? Việc học tập là cần thiết, nhưng phải biết chọn cái hay, cái tốt, không thể học theo cái dở, cái sai.