Ksor Nhí đã 30 tuổi, ở làng Al, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh (Gia Lai) thầm thương một người con gái làng bên. Tôi ngồi với gã trong cái nắng Tây Nguyên mơn trớn trên người dưới gốc cây Pơ Lang. Gã kéo tay tôi, chỉ những bông hoa đỏ vương đầy trên mặt đất bảo đây là loài hoa đẹp nhất Tây Nguyên, đẹp hơn cả hoang dại dã quỳ vàng rực hồi cuối năm trong nắng lạnh. Rồi gã nhặt một bông hoa, he hé mắt nhìn, hồi tưởng những chuyện xa xăm trong khan mà gã đã từng được già làng Rơ Châm Nhót, đã ngoài 70 tuổi, trong đêm lửa bập bùng bên nhà rông kể lại thủa ấu thơ.
Với gã, thì Pơ Lang là loài hoa tuyệt vời nhất, không phải chỉ vì gắn với chuyện tình đẹp của gã với cô gái làng bên trong những đêm trăng mùa lễ hội, mà đó còn là loài hoa biểu tượng của vẻ đẹp yêu kiều của miền cao nguyên trung phần này.
Trên ngọn đồi đấy nắng và gió, dưới gốc cây Pơ Lang huyền thoại, gã mơ màng về thời quá vãng rộn ràng ching chiêng, khi lần đầu tiên già Rơ Châm Nhót bằng chất giọng hào sảng đại ngàn kể về truyền thuyết loài hoa ấy. Đó là câu chuyện sử thi huyền thoại về chàng trai nghèo và cô sơn nữ xinh đẹp yêu nhau. Nhưng trận lũ đã cuốn phăng đi tất cả và chàng trai dựng cây nêu để lên hỏi chuyện Yang trời. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, cùng lời thề thủy chung. Thế rồi, vì xứ của Yang trời thiếu người nên Yang giữ chàng trai ấy lại, nâng bầu trời xa khỏi mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai nhớ người yêu khóc như mưa.
Người yêu của chàng trai chờ mong mãi chẳng thấy về, ngày nào cũng trèo lên cây nêu để đợi. Một ngày của tháng 3, khi nắng chan hòa và khắp nơi rộn rã ching chiêng lễ hội, Yang trời nhìn thấy cô gái buồn bã đứng trên cây nêu mới hỏi chuyện. Biết chuyện, Yang trời đã cho cô một điều ước. Cô sơn nữ đã ước rằng Yang hãy biến cây nêu thành một loài cây và băng vải đỏ hẹn ước kia thành bông hoa để người yêu có thể nhận ra. Sau khi Yang biến điều ước của nàng thành sự thật, cô gái đã gieo mình xuống đất.
Chuyện tình buồn cứ thế lan đi, hết buôn làng này đến buôn làng khác. Ai cũng thương cũng tiếc cho mối tình đẹp mà không thành. Và từ đó, chẳng biết vì sao loài hoa Pơ Lang ấy mọc lên khắp nơi ở Tây Nguyên. Ksor Nhí bảo, loài hoa này là loài hoa của nhớ thương đằng đẵng, là loài hoa của lời thề thủy chung và của cả những chuyện tình buồn. Những người yêu nhau, nhớ nhau vẫn hay nhặt những cánh hoa này về, ấp ủ như gửi gắm lời thề với người mình yêu.
Trời Tây Nguyên những ngày đầu Xuân, khi những cơn gió mùa khô thổi dạt dào trên miền đất đỏ, hoa Pơ Lang lại nở rợp trời với màu đỏ rực như yêu thương không bao giờ vợi tắt. Trên mặt đất gió bụi, những cánh hoa đã rụng vẫn cố hửng lên sắc thắm cuối cùng trong nhiều ngày rồi mới lịm đi.
Tây Nguyên mùa này, Pơ Lang đang rực lắm…