Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tây nguyên sau những đợt đồng bào hồi hương tránh dịch: Cứu cánh từ vụ cà phê được mùa, được giá (Bài 2)

L.Hường - P.Trọng - T.Dung - 17:16, 05/11/2021

Những ngày này, trên địa bàn Tây nguyên không ít người vừa hồi hương lại quyết định xuôi về các tỉnh phía Nam làm việc, với hy vọng có việc làm và thu nhập ổn định, tương lai tươi sáng. Những người ở lại cũng đang tìm được niềm vui trên nương rẫy, bởi Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch cà phê và cà phê năm nay được mùa, được giá nên thị trường lao động thu hái cà phê cũng rộng mở đón chào.

Cà phê Tây Nguyên được mùa, người trồng cần nhân công thu hái
Cà phê Tây Nguyên được mùa, người trồng đang rất cần nhân công thu hái

Tín hiệu lạc quan trong gian khó

Trở về quê chưa tìm được việc làm mới, song anh Y Sang Mlo ở xã Ea M’đroh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cũng tìm được niềm vui trên nương rẫy. Gia đình anh cũng có mấy sào trồng cà phê, nhưng mấy năm nay giá xuống thấp, thu chẳng đủ chi, nên hai vợ chồng nhờ ông bà ngoại chăm sóc rồi xuống Bình Dương làm công nhân.

Anh Y Sang tâm sự: Đi làm công nhân có đồng lương ổn định, vợ chồng tiết kiệm cũng dư chút ít để nuôi con, tích lũy ít vốn đầu tư vườn rẫy, nhưng công việc vất vả và cũng không ổn định vì không có hợp đồng lao động gì cả. Mấy tháng mất việc, tay trắng trở về, cũng may còn rẫy cà phê để thu hoạch, năng suất không cao nhưng bù lại năm nay được giá, cuộc sống trước mắt coi như tạm ổn. Đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình cũng cần vốn, nên sắp tới vợ chồng mình phân chia 1 người đi, 1 người ở lại chăm sóc rẫy nương.

Tương tự, khi giá cà phê trượt dốc, đầu tư chi phí nhiều mà thu lại chẳng được bao nhiêu, kinh tế gia đình ngày càng khốn khó, chị Siu Bat ở làng O Gia, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã bàn bạc với chồng để xuống Bình Dương xin đi làm công nhân, mong cuộc sống cải thiện hơn. 

Chia sẻ với chúng tôi, chị Siu Bat thở dài: "Rẫy nhà mình không có nhiều, chỉ có mấy sào cà phê bố mẹ cho. Mấy năm liên tiếp giá cà phê xuống thấp quá, thu hoạch xong trả tiền phân bón chẳng nuôi được 4 miệng ăn. Giao lại rẫy cho chồng ở lại chăm lo, mình và con gái lớn đi làm công nhân cho một công ty gỗ ở Bình Dương. Mất việc trở về nhà, may còn có rẫy cà phê, năm nay giá cà phê cao coi như đỡ lo một phần. Chờ cà phê chín rộ, mình và con gái đi hái thuê còn chồng thu vén rẫy ở nhà".

Theo báo cáo, huyện Ia Grai có tổng diện tích cây cà phê hơn 18.000 ha, hiện nay đã đến mùa thu hoạch. Theo tính toán ban đầu, huyện Ia Grai đang thiếu khoảng 7.000 lao động phục vụ cho mùa thu hái cà phê.

Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: Trước mắt, để bảo đảm việc làm cho các công dân về từ vùng dịch, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng những lao động này trong 1,5 tháng thu hái. Sau khi thu hoạch xong cà phê, ra Tết sẽ tới vụ thu hoạch điều, về cơ bản vấn đề việc làm đã được giải quyết. Với lợi thế diện tích cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn, dự kiến giá các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện hiện nay tương đối cao, bà con trở về từ vùng dịch cơ bản đã có  việc làm, thu nhập ổn định.

Tây Nguyên bước vào vụ cà phê mới
Tây Nguyên bước vào vụ cà phê mới

Niềm vui kép từ cà phê

Mùa cà phê mới đang mang lại niềm vui kép, không chỉ cho người trồng cà phê, mà người lao động cũng ổn định cuộc sống từ việc thu hái cà phê thuê.

Rời Long An, gia đình anh Ksor Tho ở làng Ku Tong, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai trở về quê sau 3 tháng mất việc, tài sản có giá trị duy nhất là chiếc xe máy cũng phải mang cầm cố để có tiền trang trải.

Anh Ksor Tho ngậm ngùi nói: Được chính quyền, bà con hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền mặt gia đình thực hiện cách ly nghiêm theo quy định. Giờ lại được xã quan tâm, thành lập các tổ thu hái cà phê, liên hệ để chúng tôi có việc làm đều. Một ngày công hai vợ chồng kiếm được 5 - 7 trăm nghìn đồng chứ không ít.

Ông Ngô Khôn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Pếch cho biết: Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về từ vùng dịch thực hiện cách ly an toàn, hiệu quả, địa phương cũng rất trăn trở chuyện giải quyết việc làm. Theo đó, xã họp thống nhất thành lập mỗi thôn, làng 1 - 2 tổ thu hái cà phê. Những người hoàn thành cách ly có nhu cầu sẽ lập danh sách tạo việc làm trên địa bàn xã, thôn, làng, sau đó tạo điều kiện để tham gia thu hái cà phê các địa bàn lân cận bên cạnh.

Toàn xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cũng có gần 1.500 ha cà phê. Đây là cà phê cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp ở địa phương, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết một lượng lớn việc làm.

Ông Lê Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Wer cho biết: Năm nay, cà phê được mùa, được giá, người nông dân rất phấn khởi. Ở thời điểm này giá cà phê đang lên đỉnh điểm, nên người nông dân cũng đang tập trung thu hoạch. Vì vậy, nhu cầu nguồn lao động thu hái cà phê cũng tăng lên đáng kể. Nhiều lao động hồi hương sau khi hoàn thành cách ly dễ dàng có công việc, thu nhập từ công việc này.

Theo tính toán của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có hơn 120.000 ha cà phê và sẽ cần khoảng 13 triệu ngày công phục vụ thu hái. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Trước nhu cầu thiếu nhân công hái cà phê, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị Sở LĐTB&XH chỉ đạo các Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện, thành phố rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các đối tượng chưa có việc làm tiếp cận thông tin, thành lập các tổ nhóm phục vụ thu hoạch cà phê tại các địa phương.

Ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện CưJút cho biết: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, huyện đang khuyến khích người dân phát huy nguồn lao động tại chỗ theo hình thức đổi công trong khu vực “vùng xanh”.  Năm ngoái một số chủ vườn cà phê ở địa phương thuê người hái khoán với giá 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chủ vườn khoán công với giá 1.500 đồng/kg. Một số vườn sai quả, nếu hái nhanh thì mỗi ngày cũng được hơn 500.000 đồng, thậm chí là 700.000 đồng/người/ngày. 

Dù bức tranh về việc làm, thu nhập cho lao động hồi hương với gam màu sáng, với chiều hướng tích cực, nhưng nhìn từ thực tế, đây mới chỉ là giải quyết khó khăn trước mắt, về lâu dài, để người dân an cư lạc nghiệp tại quê hương, các cấp chính quyền vẫn phải tiếp tục xem xét để có những giải pháp việc làm, thu nhập, cũng như chính sách an sinh cụ thể sát với thực tế...

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.