Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tây Nguyên: Khẩn trương, kịp thời khắc phục hậu quả của mưa lũ

PV Tây Nguyên - 15:35, 20/10/2021

Do ảnh hưởng của dải hội tự nhiệt đới, những ngày qua, tình trạng mưa lớn diễn ra tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên gây ngập úng, chia cắt giao thông, thiệt hại hoa màu ở nhiều địa phương. Chính quyền, các lực lượng, đoàn thể và Nhân dân nơi ngập lụt đang nỗ lực phối hợp cùng nhau khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.

Nước ngập nhiều tuyến đường ở Kon Tum
Nước ngập nhiều tuyến đường ở Kon Tum

Chính quyền sát cánh cùng Nhân dân

Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Krông Nô bị ảnh hưởng nặng nhất tỉnh Đắk Nông. Mưa lớn kéo dài gây sạt lở ở nhiều tuyến đường làm ách tắc giao thông, ngập lụt nhà cửa, nông sản của người dân. 

Ông Vi Văn Minh ở thôn Sơn Hà, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô chia sẻ: Suốt đêm 15 rạng sáng 16/10 mưa như trút nước. Nước từ thượng nguồn chảy qua suối Đắk Sôr làm ngập tuyến đường từ thôn Sơn Hà đến thôn Thanh Sơn. Cán bộ địa phương đã phải xuống tại nơi, khảo sát các khu vực trọng yếu để cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời, hỗ trợ chúng tôi đi lại an toàn. Tất cả bà con trong thôn chúng tôi đến nay đều đã ổn định.

Nguy hiểm hơn, đợt mưa kéo dài mấy ngày qua, khiến một số hộ dân xã Đắk Nang sống cách chân một quả đồi khoảng 10m bị một phen hú vía, bởi đất đá sạt lở xuống sát nhà. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã liên hệ ngay với dân, huy động máy múc để san ủi đường giao thông bị sạt lở, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời hỗ trỗ trợ người dân di dời tạm thời để dọn dẹp nhà ở sau lũ.

Theo ông Lương Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, đến nay, tất cả hộ dân bị ảnh hưởng đều đã được chính quyền và lực lượng chức năng giúp đỡ nhanh chóng ổn định, trở lại cuộc sống bình thường. Riêng đối đối với những hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đồi, xã liên hệ để hỗ trợ, nhưng các hộ dân đã tự đổi công cho nhau xúc đất đá ra khỏi khu vực đất của gia đình. Địa phương đã nhắc nhở, cắm biển báo nguy hiểm, tuyên truyền đến người dân chủ động ứng phó khi mưa bão.

“Đây là điểm sạt lở nguy hiểm, nhưng không có quỹ đất để bố trí di dời. Xã cũng đã báo cáo, đề xuất UBND huyện tìm quỹ đất để bố trí, sắp xếp những hộ dân này đến nơi ở khác, ổn định sống”, ông Phú cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển sáng ngày 19/10, ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Krông Nô cho biết: Sau khi xảy ra tình trạng ngập và sạt lở, UBND huyện đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải khắc phục tình trạng sạt lở; đồng thời chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo và trực chốt thông báo cho người dân không đi lại trên những đoạn đường ngập lụt để bảo đảm an toàn. Đến nay, tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ đều đã vệ sinh nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Lực lượng chức năng di dời người dân bị ngập huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đến nơi an toàn
Lực lượng chức năng di dời người dân bị ngập huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đến nơi an toàn

Huy động mọi lực lượng hỗ trợ dân 

Công tác khắc phục hậu quả mưa bão, cũng được các địa phương, các lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm. Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị liên quan, kịp thời khắc phục tạm các tuyến đường do Sở quản lý, đến nay cơ bản thông tuyến, bảo đảm giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đồng thời, Sở tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm và các điểm bị sạt lở chưa được khắc phục, cho Nhân dân biết để phòng tránh.

Trong mưa lũ, tình quân dân lại thêm một lần thắt chặt. Huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ. Toàn huyện có 390 nhà ở bị ngập lụt. Ngay khi nắm được tình hình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 (Quân khu 5), triển khai lực lượng và phương tiện, kịp thời cứu giúp các hộ dân bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Lực lượng Công an huyện hỗ trợ đưa 15 người dân xã Cư Kbang bị mắc Đắk Lắk kẹt khi đi làm rẫy về nơi an toàn.

Ngay trong đêm mưa lũ, lực lượng chức năng đã tranh thủ thời gian hỗ trợ di dời dân, đồng thời vận chuyển giúp tài sản của dân và đưa những người dân bị mắc kẹt khi đi làm rẫy đến nơi an toàn. Ngoài ra, nhiều người nằm trong vùng rốn lũ được đưa đến các điểm nơi cao ráo, nhằm hạn chế thiệt hại. "Hiện tại người dân trong vùng lũ đã an toàn, chính quyền địa phương đang lập danh sách để hỗ trợ theo quy định", ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp thông tin.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Song song với công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Bố trí lực lượng và phương tiện túc trực tại các khu vực xung yếu để hướng dẫn người và phương tiện qua lại và sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Triển khai các lực lượng để sơ tán người, tài sản của người dân đến nơi an toàn; di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập đến khu vực cao.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.