Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mưa lũ lớn gây ngập úng và sạt lở đất tại nhiều địa phương

Nga Anh và CTV - 16:31, 17/10/2021

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, mưa lớn đã xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một số nơi bị ngập lụt cục bộ, sạt lở đất gây chia cắt giao thông.

Nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về trên sông Nước Mét, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) Ảnh: VĂN CỚT
Nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về trên sông Nước Mét, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) - Ảnh: VĂN CỚT

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai ngày 17/10 cho biết, ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 2 người chết (tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An do đi vớt củi trên sông bị lũ cuốn trôi); 1 người mất tích (Quảng Trị).

Bên cạnh đó, 6 vị trí đường giao thông sạt lở, gây ách tắc giao thông (Hòa Bình 5, Hà Tĩnh 1); 6 điểm đường Quốc lộ (Nghệ An 3, Quảng Bình 3) và 19 điểm đường giao thông địa phương (Nghệ An 1, Quảng Bình 11, Đắk Lắk 7) bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông.

Chính quyền các địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.

Ngoài ra, ảnh hưởng của mưa lũ còn làm 151 nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị ngập, phải di dời tạm thời. Toàn bộ các hộ dân trong vùng ngập, chia cắt đã được sơ tán đến nơi an toàn. Về nông nghiệp, 996 ha cây lương thực trên địa bàn Đắk Lắk bị ngập, cuốn trôi.

Thông tin cụ thể tại một số địa phương:

Quảng Nam: Nhiều tuyến đường bị sạt lở nặng

Từ ngày 16/10 đến nay, trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có mưa to, có nơi đến rất to, kéo dài liên tục khiến mực nước sông, suối trên địa bàn huyện dâng cao, nước chảy rất mạnh làm nhiều công trình, tài sản, hoa màu của nhà nước và nhân dân trên địa bàn huyện bị hư hỏng, thiệt hại.

Cụ thể, mưa lớn đã làm đoạn ngầm sông Trường và Nước Oa trên Quốc lộ 40 B từ huyện Bắc Trà My đến huyện Nam Trà My bị ngập sâu.

Các điểm sạt lở chia cắt đường nối các xã của huyện Tây Giang, Quảng Nam sáng 17/10 - Ảnh: HOÀNG LINH
Các điểm sạt lở chia cắt đường nối các xã của huyện Tây Giang, Quảng Nam sáng 17/10 - Ảnh: HOÀNG LINH

Tuyến đường ĐH.5 (đi về xã Trà Vân - xã Trà Vinh) bị sạt lở nặng, chưa lưu thông được tại điểm gần Ủy ban Nhân dân xã Trà Vinh. Nước lớn làm khu vực suối Ông Đề trên tuyến đường xã Trà Đơn-xã Trà Leng không lưu thông được.

Ngoài ra, một số tuyến đường tại các xã như Trà Cang, Trà Linh, Trà Mai... có một vài điểm sạt lở nhỏ, đất tràn xuống đường. Theo dự đoán của nhiều người, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ khối lượng đất đá sạt lở sẽ nặng nề hơn. Thiệt hại về nhà cửa, tài sản, cây trồng và vật nuôi hiện đang được các địa phương thống kê.

Trước tình hình mưa to kéo dài gây ngập úng và sạt lở tại nhiều địa phương trên địa bàn, đe dọa đến sự an toàn của người dân, chính quyền các cấp của huyện Nam Trà My đã huy động các lực lượng tiến hành di dời được 147 hộ/605 người ở những nơi có nguy cơ sạt lở và ngập lụt đến vị trí an toàn.

Quảng Ngãi: Lốc xoáy làm 45 nhà dân bị hư hỏng

Vào khoảng 0 giờ 55 phút ngày 17/10, trên địa bàn các địa phương ven biển huyện Bình Sơn gồm xã Bình Thạnh và Bình Chánh bất ngờ xảy ra trận lốc xoáy kèm mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nhà ở của người dân.

Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục nhà cửa bị hư hỏng do lốc xoáy gây ra
Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục nhà cửa bị hư hỏng do lốc xoáy gây ra

Qua thống kê ban đầu, tại xã Bình Thạnh và Bình Chánh có 45 ngôi nhà của người dân (xã Bình Thạnh 33 nhà; xã Bình Chánh 12 nhà) bị tốc mái, hư hỏng từ 30-100%. Rất may, không có thiệt hại về người.

Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Huỳnh Tấn Dũng thông tin thêm, trong số 33 ngôi nhà của người dân trong xã bị tốc mái, hư hỏng, có 11 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn.

Ngay trong sáng sớm 17/10, lãnh đạo huyện Bình Sơn đã về các xã ven biển bị lốc xoáy động viên, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện và xã tiếp tục thống kê thiệt hại, huy động các lực lượng khẩn trương giúp người dân khắc phục nhà cửa bị hư hỏng sớm ổn định cuộc sống.

Thừa Thiên-Huế: Nhiều nơi ngập úng cục bộ

Ngày 17/10, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn và các hồ thủy điện điều tiết nước về hạ du, mực nước trên sông Hương và sông Bồ đang dâng nhanh, chảy xiết về hạ du, nhiều nơi bị ngập úng cục bộ. Nước trên sông Hương, sông Bồ đang lên gần báo động 2 và đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông Bồ dài khoảng 1,5km; sạt lở bờ sông Hương khoảng 200m.

Cây đổ đè trúng một nam thanh niên ở TP Huế sáng 17/10 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Cây đổ đè trúng một nam thanh niên ở TP Huế sáng 17/10 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Hiện các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang vận hành đảm bảo an toàn. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đã tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt.

Hiện nay, mưa lớn đang làm ngập cục bộ ở các địa phương trong tỉnh. Trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị ngập cục bộ 0,15m, nhưng các phương tiện giao thông vẫn lưu thông bình thường.

Tại huyện miền núi A Lưới, rạng sáng ngày 17/10, mưa lớn nước chảy xói lở làm sập cột điện trung thế 134 tại thôn Bà lạch, xã Lâm Đớt gây mất điện tại Trạm biến áp Ngã ba Lâm Đớt-Đông Sơn; trên tuyến đường Hồ Chí Minh địa qua địa bàn huyện bị ngập úng cục bộ một số điểm. Tại huyện Phong Điền, nhiều tuyến đường liên thôn cũng bị ngập từ 0,2-0,3m.

Hiện nay, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã triển khai phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; đã nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông tại các tuyến đường bị ngập lụt.

Quảng Bình: Mưa lũ chia cắt nhiều tuyến đường giao thông

Trong các ngày 16-17/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Các đơn vị cử lực lượng chốt chặn tại các ngầm tràn, đoạn đường hiểm yếu, di dời người dân vùng nguy hiểm, sạt lở đến nơi an toàn và hướng dẫn các địa phương chủ động ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ.”

Bộ đội biên phòng Quảng Bình xem xét các điểm có nguy cơ sạt lở ở huyện Minh Hóa - Ảnh: H.NAM
Bộ đội biên phòng Quảng Bình xem xét các điểm có nguy cơ sạt lở ở huyện Minh Hóa - Ảnh: H.NAM

Tại huyện vùng cao Minh Hoá, các ngầm Hà Nông, Cu Pi, Tô Cô ở xã Trọng Hóa nước đang dâng và chảy xiết khiến các tuyến đường vào 7 bản thuộc địa phương này bị chia cắt. Các ngầm Ka Ai (Dân Hóa) nước ngập khoảng 0,8 - 1,0m, ngầm tràn Tân Lý (Minh Hóa) cũng bị ngập, người và phương tiện không lưu thông được. Tại xã Tân Hóa, cầu tràn bến Seeng bị ngập, chia cắt thôn 4 và thôn 5 Yên Thọ.

Tại huyện Tuyên Hoá, cầu Sủng Mè ở thôn Thuận Hoan và cầu Đồng Khe ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa bị ngập từ 0,2 - 0,4m. Hiện, người dân 2 thôn này đã chủ động được lương thực, thực phẩm do trước đó xã đã có phương án hướng dẫn dự trữ.

Tại huyện Bố Trạch, ngầm Cầu Bùng ở xã Hưng Trạch ngập 1,2m; các ngầm tràn: Bến Troóc, Đồng Phường, đập Cây Trung, đường anh Trỗi ở xã Phúc Trạch ngập sâu, người và phương tiện không qua lại được. Hiện, địa phương và các đơn vị chức năng đã tổ chức chốt chặn, cảnh báo người dân không qua lại tại các điểm ngập lụt này.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã với tổng số 501 hộ/1.903 khẩu cần di dời để tránh sạt lở đất.

Đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm sạt lở tại nhiều tuyến kênh mương trên địa bàn tỉnh. Riêng tuyến đường liên xã tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa bị sạt lở 4 đoạn, khối lượng khoảng 50m3; tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại Km 90 (Đồn Biên phòng Làng Mô) có 1 điểm sạt lở dài khoảng 20m.

Hiện, 6.697/6.697 tàu thuyền trong toàn tỉnh đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương kêu gọi, di chuyển vào khu vực neo đậu an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trực ban 24/24, tham mưu kịp thời khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có tình huống.

Tại Nghệ An: Sạt lở đất làm sập một phần ngôi nhà của hộ người Đan Lai

Vào khoảng 12h ngày 16/10, tại bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông xảy ra sạt lở đất từ đồi cạnh nhà anh La Văn Đào (SN 1986, người Đan Lai) làm sập 1 phần ngôi nhà ở và hư hại 1 số tài sản. Rất may vụ sạt lở không có thiệt hại về người. Ở bản Diềm, xã Châu Khê mưa lớn làm sập khoảng 20m tường rào của nhà ông Kha Văn Thương (SN 1960, dân tộc Thái) rất may không có thiệt hại về người.

Sạt lở đất gây sập một phần nhà dân tại bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông
Sạt lở đất gây sập một phần nhà dân tại bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Đồn Biên phòng Châu Khê (BĐBP Nghệ An) đã cử lực lượng phối hợp với địa phương hỗ trợ gia đình bị sập di dời người và tài sản đến nơi ở tạm nhằm đảm bảo an toàn, khắc phục hậu quả.

Dự báo trong những ngày tới, nếu trời vẫn mưa, nguy cơ sạt lở đất vẫn còn tiềm ẩn, các lực lượng và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chốt chặn tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao để người dân không qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Gia Lai: Mưa lớn khiến nhiều nơi tại thành phố Pleiku ngập cục bộ

Rạng sáng 17/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 8 (Kompasu), trên địa bàn thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông khiến nhiều khu vực ngập cục bộ. Tuy nhiên, nhờ chủ động xây dựng các phương án từ trước, nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo báo cáo nhanh của UBND TP. Pleiku, mưa lớn đã làm một số vị trí tại đoạn đường trong Thành phố bị ngập cục bộ. Một số nhà dân tại đường Triệu Quang Phục, Tôn Thất Tùng bị sập tường nhà, tường rào… Rất may không có thiệt hại về người.

Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh tổ chức di tản một số hộ dân bị ngập lụt tại hẻm 11 Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Tám
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh Gia Lai) tổ chức di tản một số hộ dân bị ngập lụt tại hẻm 11 Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Tám

Trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai cũng xảy ra mưa lớn, một số ngầm tràn đường giao thông trên địa bàn huyện Kông Chro, Đức Cơ, Mang Yang, Ia Pa bị ngập. Các địa phương đã bố trí lực lượng túc trực để cảnh báo giao thông.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết nhờ chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát các công trình thủy lợi, ban hành lệnh vận hành hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa qua tràn hồ An Khê đảm bảo an toàn. Đồng thời tuyên truyền người dân không chủ quan, chủ động ứng phó với mưa lũ. Vì vậy, đến thời điểm này, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại lớn do cơn bão số 8 này gây ra.

Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục lên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tính đến 7 giờ ngày 17/10, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa khu vực Hà Tĩnh, Khánh Hòa từ 20-60 mm, có nơi trên 80 mm; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên từ 40-80 mm, có nơi trên 100 mm, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên từ 80-120 mm, có nơi trên 150 mm, riêng Thừa Thiên- Huế có nơi trên 180mm.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại khu vực Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh: Thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Phú Lộc, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành (Quảng Nam); Bình Sơn, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết chiều 17/10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục lên. Sáng 18/10, lũ trên các sông ở từ Quảng Bình đến Bình Định, Gia Lai tiếp tục lên, sau đó dao động ở mức cao; các sông ở Kon Tum đạt đỉnh và sẽ xuống.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân chủ động phòng, chống bão lũ; yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở để có phương án ứng phó kịp thời với thiên tai khi có tình huống xấu xảy ra.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.