Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tập trung nguồn lực phổ cập giáo dục vùng khó khăn

PV - 09:31, 07/03/2018

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nguồn lực đầu tư và đề ra nhiều giải pháp cho khu vực này. Trong đó, tập trung nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỷ lệ bỏ học đối với học sinh người dân tộc thiểu số…

Nhiều giải pháp...

Theo ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho con em người DTTS được đến trường. Năm học 2016-2017, tất cả các trường mầm non của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tổ chức bữa ăn trưa cho các cháu người DTTS từ 3-5 tuổi, với mức 290 nghìn đồng/tháng/trẻ.

Ngoài ra, UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư xây bếp ăn, cải tạo cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện dạy học hai buổi/ngày và bán trú cho 4.380 học sinh (HS) tiểu học người DTTS. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ học bổng cho tất cả HS người DTTS từ bậc mầm non cho đến đại học.

Tiếp tục triển khai tốt Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. (Trong ảnh cô và trò Trường Tiểu học Khánh Nam (Khánh Vĩnh) trong một tiết học tiếng Việt). Tiếp tục triển khai tốt Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. (Trong ảnh cô và trò Trường Tiểu học Khánh Nam (Khánh Vĩnh) trong một tiết học tiếng Việt).

 

Với việc triển khai những giải pháp thiết thực, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các vùng khó khăn và vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đánh giá là có sự chuyển biến tích cực theo hướng vững chắc.

Các trường tiểu học, THCS đã thực hiện các biện pháp phân hóa trình độ HS ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch và tiến hành bồi dưỡng, phụ đạo, ôn tập cho học sinh yếu kém, thực hiện tốt công tác phổ cập trong nhà trường.

Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS lưu ban giảm dần qua các năm, tỷ lệ học sinh người DTTS bỏ học giảm còn dưới 1%. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học và học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS trong 5 năm học gần đây đều đạt hơn 99%.

Việc huy động trẻ ra lớp tiểu học thực hiện tốt, trong đó trẻ DTTS đạt tỷ lệ hơn 99%; HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 đạt 80%. Tỷ lệ HS DTTS được vào học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) so với tổng số HS DTTS trong toàn tỉnh ở cấp THCS bình quân trên 20% và cấp THPT bình quân 16%. Các địa phương cũng tổ chức tốt dạy học 2 buổi/ngày, tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết ở những lớp 1 có HS DTTS được học 2 buổi/ngày.

Một trong giải pháp khác có tính chiến lược để chủ động khắc phục tình trạng HS bỏ học ở các vùng đồng bào DTTS là xây dựng cơ sở vật chất. Những năm qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp và xây mới trường, lớp.

Trong đó, đầu tư xây mới Trường Phổ thông DTNT Khánh Sơn, với kinh phí 57,2 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp Trường Phổ thông DTNT Khánh Vĩnh gần 24 tỷ đồng, cải tạo Trường Phổ thông DTNT Cam Ranh 2,43 tỷ đồng; cải tạo Trường Phổ thông DTNT tỉnh 1,1 tỷ đồng; triển khai xây dựng Trường Phổ thông DTNT Ninh Hòa hơn 36 tỷ đồng...

Vẫn còn khó khăn

Với sự nỗ lực của các cấp ngành, công tác phổ cập giáo dục vùng khó khăn của tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả khích lệ. Tuy nhiên, sự chuyển biến vẫn còn chậm, tỷ lệ học sinh lưu ban còn cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tuấn Tứ cho biết: “Nguyên nhân đầu tiên, là do không tuyển được giáo viên địa phương, giáo viên công tác tại các vùng khó khăn, hết thời gian quy định thường xin chuyển công tác khiến đội ngũ giáo viên biến động và luôn trong tình trạng thiếu hụt”.

Mặt khác, cuộc sống đồng bào DTTS còn khó khăn nên nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của con em; vốn tiếng Việt của trẻ em DTTS tại các vùng khó khăn còn hạn chế nên các em khó tiếp thu bài, ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng học tập.

Một số cán bộ quản lý nhà trường cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tuy đã từng bước được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nhiều phòng chức năng. Công tác phổ cập giáo dục THCS tuy được duy trì đạt chuẩn theo kế hoạch nhưng chưa bền vững ở 2 huyện miền núi.

Với những tồn tại này, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa cũng đã đặt ra mục tiêu tiếp tục duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Trong đó, quan tâm các trường có học sinh người DTTS như: triển khai dạy học 2 buổi/ngày và bán trú; triển khai tốt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, HS tiểu học vùng DTTS.

“Đặc biệt, ngành Giáo dục sẽ thực hiện đúng chế độ chính sách, chăm lo tốt đời sống cho giáo viên; quan tâm công tác tuyển dụng, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS...”, ông Lê Tuấn Tứ chia sẻ thêm.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.