Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tập trung giải bài toán việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hải Như - 08:50, 14/11/2023

Vấn đề tạo việc làm bền vững là giải pháp căn bản để tạo sinh kế cho đồng bào DTTS và đây cũng chính là chìa khóa để các địa phương mở những nút thắt lâu nay trong việc thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao được mức sống của đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển ở các vùng miền.

(BCĐ - TT vận động ND) Tập trung giải bài toán việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn được tổ chức tại địa phương.

Cần tìm đúng nút thắt để gỡ

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo thêm việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, thanh niên miền núi nói riêng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế. Cùng với đó, công tác tuyên truyền hướng nghiệp, tạo việc làm ngày càng được các ngành, các cấp, các địa phương chú trọng, quan tâm. Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được triển khai, như: đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; thành lập mô hình Câu lạc bộ “Thanh niên phát triển kinh tế”; triển khai đề án tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...

Tuy nhiên, do trình độ, nhận thức của người lao động còn hạn chế, phong tục tập quán còn lạc hậu... nên bài toán giải quyết việc làm cho lao động vùng cao vẫn còn nan giải. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, đa số các xã, bản ở miền núi phía Bắc đều thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất. Hơn nữa, các ngành nghề truyền thống đang bị mai một khi lớp trẻ không mặn mà kế thừa, phát huy; các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có điều kiện để phát triển... đã tạo nên sức ép về việc làm.

Trong khi đó lực lượng lao động dồi dào, tập trung ở lứa tuổi thanh niên, có sức khỏe nhưng thiếu đất, thiếu vốn, thiếu nghề, hạn chế về trình độ văn hóa, chưa nhận thức đầy đủ về hướng đi tương lai cho bản thân, dẫn đến thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không ổn định...

Một nguyên nhân cơ bản nữa là do trước đây, người dân miền núi chủ yếu dựa vào rừng để kiếm sống nhưng nay rừng được quản lý nghiêm ngặt, vì thế họ không còn nguồn sinh kế dẫn đến hệ quả tất yếu là thiếu việc làm, nhiều lao động phải rời quê hương đi làm ăn xa, thậm chí là xuất cảnh trái phép sang nước bạn.

Thế cho nên mới có chuyện ở một số tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn thì tình trạng xuất cảnh trái phép để tìm việc làm dường như đã trở thành phong trào. Những nguyên nhân chính dẫn đến phong trào này chủ yếu là bởi đời sống của bà con trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Không tìm được việc làm trong nước, trình độ hiểu biết lại còn nhiều hạn chế nên rất dễ bị rủ rê lôi kéo.

Cùng với đó, những năm gần đây, địa bàn biên giới Trung Quốc đang đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn, thiếu hụt lao động nghiêm trọng, nhu cầu lao động phổ thông là rất lớn. Hơn nữa, tiền thù lao trả cho một ngày công lao động tại nước bạn cao hơn công việc tại quê nhà nên người dân có ý định đi làm thuê, lượng người xuất cảnh sang phía bên kia biên giới luôn cũng tăng theo.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có những tỉnh chỉ trong vòng 1 năm số lao động sang Trung Quốc làm thuê đã lên đến hàng vạn lượt người. Trong đó phần lớn là đi theo đường mòn biên giới, không đăng kí xuất nhập cảnh theo quy định. Họ hi vọng rằng, sau vài năm lao động sẽ dành dụm được một khoản tiền kha khá để có thể về quê xây nhà, lập trang trại hoặc kinh doanh, buôn bán nhỏ...

Rất cần "những cái bắt tay"

Nhằm giúp đồng bào “lạc nghiệp” trên quê hương mình, ngăn chặn thực trạng người dân xuất cảnh lao động bất hợp pháp, thời gian gần đây các bộ, ban, ngành cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nỗ lực vào cuộc. Hàng loạt giải pháp cấp bách và lâu dài đã được triển khai đồng bộ như: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách lao động; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác thủ đoạn của tội phạm, chấp hành nghiêm quy định xuất nhập cảnh và lao động, tăng cường phối hợp cơ quan chức năng các nước điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu, hồi hương nạn nhân; quản lý khu vực biên giới, quản lý lao động xuất khẩu, tích cực “xóa đói, giảm nghèo” gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Thậm chí có những tỉnh còn tổ chức Hội nghị về quản lý lao động, như tỉnh Hà Giang, để bàn về việc xuất khẩu lao động tại 4 huyện biên giới phía Bắc và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, như: Đề xuất với Cục Quản lí Lao động ngoài nước xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người lao động đặc biệt là đối với các xã biên giới; Chủ động ký kết hợp tác lao động giữa Việt Nam và Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động…

(BCĐ - TT vận động ND) Tập trung giải bài toán việc làm cho đồng dân tộc thiểu số 2
Bài toán giải quyết việc làm cho người DTTS rất cần sự chung tay của toàn xã hội

Còn ở Sơn La, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với một số ban ngành tổ chức Chương trình “Ngày hội Tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số” năm 2023. Tham gia Ngày hội có hàng chục doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh cùng với hơn 1.000 học sinh, đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số.

Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đã được tập huấn kỹ năng phỏng vấn, xin việc, trao đổi chuyên đề “Ứng dụng công nghệ số trong công tác tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số”, tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh...

Ở Lai Châu, chính quyền cùng các ban, ngành cũng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về quy chế bảo vệ biên giới. Giúp họ nhận thức hiểu được việc lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc là vi phạm pháp luật, khi bị phát giác sẽ bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại. Nếu không tỉnh tảo, người lao động sẽ bị bắt giam, phạt tiền và trục xuất về nước trong cảnh trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu.

(BCĐ - TT vận động ND) Tập trung giải bài toán việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số 3
Lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chăn nuôi gà cho lao động nông thôn ở huyện Phong Thổ, Lai Châu

Nhiều chính sách, nhiều biện pháp đã được áp dụng, song để có được một lời giải cho bài toán giải quyết việc làm cho lao động vùng cao là điều không đơn giản. Nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của người dân ở mỗi địa phương có sự khác biệt. Để giải quyết một cách triệt để, căn bản, bền vững, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp, chương trình thanh niên tham gia xoá đói, giảm nghèo, thanh niên tham gia xuất khẩu lao động; tổ chức tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn để họ sớm có hướng chọn ngành, nghề phù hợp cho riêng mình; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thanh niên, trong đó đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, đây là yếu tố mang tính quyết định trên bước đường lập nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nỗ lực để tìm ra những mô hình đào tạo nghề phù hợp; cần có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức mở các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề tại địa phương vừa là sử dụng người lao động ở địa bàn và tận dụng những nguyên liệu sẵn có như luồng, tre, nứa, mây... Cùng với đó là nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể cơ sở, mỗi tổ chức đoàn thể phải luôn nỗ lực để giúp đỡ nhau, nâng cao thu nhập từ đó khẳng định được vị trí của họ vào sự phát triển chung của toàn xã hội,/.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.