Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ DTTS

PV - 17:06, 06/05/2019

Dự án “Sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” của Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), do quỹ Chanel tài trợ, sẽ hỗ trợ, tạo sinh kế bền vững cho nhiều phụ nữ vùng DTTS, miền núi trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang khiến thiên tai và thời tiết ngày càng cực đoan.

Theo đánh giá của UN Women, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai; xếp thứ bảy về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2015 giai đoạn 1994-2013. Ước tính, hơn 70% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi các thảm họa tự nhiên, trong đó phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Nguy hại hơn, kéo theo đó là sự ảnh hưởng sinh kế lâu dài của người dân các vùng dễ bị thiên tai, tập trung phần lớn ở vùng DTTS, miền núi. Hiện nay, phần lớn phụ nữ tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và sinh kế nhỏ lẻ, bị hạn chế tiếp cận thông tin, nguồn lực, tín dụng, thị trường, các chương trình đào tạo nghề và dịch vụ khuyến nông, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo và DTTS, dẫn đến hạn chế năng lực thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ DTTS là vô cùng cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ DTTS là vô cùng cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Nhằm tăng cường sinh kế, nâng cao năng lực và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai của phụ nữ thông qua triển khai các lựa chọn sinh kế bền vững; thúc đẩy vai trò, sự tham gia, và khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại cộng đồng, UN Women vừa khởi động Dự án “Sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai”. Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình “Cải thiện sinh kế và sự tham gia của phụ nữ hướng tới tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu” do quỹ Chanel tài trợ trong thời gian 03 năm, bắt đầu triển khai từ năm 2019 với kinh phí 850 ngàn USD.

Bà Vũ Phương Ly, chuyên gia về Chương trình của UN Women chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, phụ nữ địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nếu được hỗ trợ cải thiện sinh kế và nâng cao năng lực, có thể đóng góp hiệu quả vào nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi và phát triển bền vững. Ngược lại, nếu phụ nữ không được tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai thì sẽ làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ và cản trở thành công chung của các hoạt động này. Bình đẳng giới do đó được coi là cơ sở giúp các hoạt động ứng phó với rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trở nên hiệu quả và cũng là cơ chế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.

Theo khảo sát của UN Women, 04 mô hình được lựa chọn hỗ trợ triển khai tại 03 tỉnh Lào Cai, Phú Yên và Quảng Nam bao gồm: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc Mông tại Lào Cai trồng thâm canh cây lạc đỏ tại địa phương ứng phó với xói mòn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phụ nữ DTTS tại Lào Cai chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cải thiện sinh kế, nâng cao năng lực; hỗ trợ nông dân trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả chịu ảnh hưởng của mưa lũ theo tiêu chuẩn VietGAP tại Phú Yên; hỗ trợ phụ nữ vùng ven biển Quảng Nam tăng cường tính bền vững của sinh kế và sự an toàn khi thu hoạch rong biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Qua đánh giá, những mô hình này sẽ mang lại hiệu quả cải thiện sinh kế, chống chịu với biến đổi khí hậu. Ví dụ, mô hình lạc đỏ tại Lào Cai, cây lạc đỏ chống xói mòn, chịu hạn tốt, sẽ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp hạn chế thoát hơi nước và sâu bệnh. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào mô hình này là 90%, trong đó có 100% là phụ nữ DTTS. Cho thu nhập tăng 15-20% so với sản xuất đại trà. Lạc đỏ là đặc sản vùng, có thị trường đầu ra tiềm năng. Hay mô hình trồng sen trên đất lúa tại Phú Yên, thì sen sống tốt trong môi trường ngập lũ, sản phẩm từ sen đa dạng; trồng sen có thể kết hợp nuôi cá, kinh doanh du lịch, chụp ảnh…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để Dự án triển khai hiệu quả, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện. Cần gắn vai trò trách nhiệm của phụ nữ địa phương trong việc nhân rộng mô hình để nhiều phụ nữ được hưởng lợi đồng thời phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững sau khi kết thúc Dự án…

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.