Phó Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động tích cực của Đại sứ Kees van Baar, đóng góp vào mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hà Lan, trong đó hai bên là đối tác chiến lược trong lĩnh vực: Thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực.
Với sự hỗ trợ của các đối tác phía Hà Lan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL tiếp cận tiên tiến trong ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước bền vững; hình thành cơ chế điều phối, phát triển vùng.
Trong thời gian tới, hai nước cần mở rộng phạm vi hợp tác, từ đó nâng tầm, tạo luồng sinh khí, nền móng hợp tác trên cơ sở tin cậy, hiệu quả.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại sứ Kees van Baar nhắc lại ấn tượng của Nhà vua Hà Lan Willem - Alexander Claus George Ferdinand khi gặp gỡ và trao đổi với Phó Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu, bên lề Hội nghị toàn cầu về nước của Liên Hợp Quốc, tháng 3/2023.
Cùng với những lĩnh vực hợp tác truyền thống về ứng phó biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ông Kees van Baar cho rằng Việt Nam, Hà Lan còn có tiềm năng rất lớn trong những lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hình thành thị trường Carbon…
Hiện nay các doanh nghiệp Hà Lan rất quan tâm đến định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam và mong muốn được tạo điều kiện triển khai một số dự án thí điểm về điện mặt trời áp mái, điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật về xây dựng chính sách, quản trị, chuyển giao công nghệ, quản trị, huy động các nguồn tài chính xanh cho lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Trao đổi với Đại sứ Kees van Baar, Phó Thủ tướng cho biết không gian phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) được mở rộng nhiều lần trong Quy hoạch điện VIII với nhiều cơ chế mới như: Tự sản xuất, tự tiêu thụ; chuyển đổi ngay các nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang điện gió, điện mặt trời hoặc sử dụng nhiên liệu xanh (hydro xanh, acmoniac xanh); xuất khẩu năng lượng tái tạo. Vấn đề là năng lực của doanh nghiệp, tính khả thi của công nghệ, hiệu quả kinh tế.
Phó Thủ tướng hoan nghênh các đối tác, doanh nghiệp Hà Lan tham gia chương trình thí điểm lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các toà nhà của cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, công trình công cộng, nhà dân…, từ đó hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, chính sách mua bán điện, thiết bị, chuyển giao công nghệ…
Với kinh nghiệm, công nghệ phát triển điện gió ngoài khơi, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan tham gia dự án thí điểm tại Việt Nam để góp phần hoàn thiện tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đánh giá hiệu quả kinh tế; bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia.
"Các dự án điện tái tạo cần bảo đảm tính đồng bộ giữa sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; sự cân bằng, ổn định của hệ thống điện", Phó Thủ tướng lưu ý và gợi mở "trên cơ sở quy hoạch của vùng ĐBSCL, các đối tác, doanh nghiệp Hà Lan có thể nghiên cứu phương án đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đồng bộ với việc hình thành các khu công nghiệp lớn trong vùng"; đồng thời thúc đẩy vai trò của nhà nước trong dẫn dắt, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong các dự án cụ thể để hiện thực hoá những mục tiêu đặt ra.
Phó Thủ tướng cũng trao đổi với Đại sứ Kees van Baar về phương hướng hợp tác trong khai thác cát ngoài khơi, chống sạt lở, bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước, bảo vệ môi trường… tại Việt Nam.